NHỮNG ĐIỂM MỚI LUẬT CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG
Ngày 22/11/2019, Quốc hội khóa 14 thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, có hiệu lực 01/7/2020.
Sau đây là những điểm mới của Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi năm 2019.
1. Tổ chức chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính (khoản 1 Điều 2)
Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2019 sửa quy định “Cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân” thành Chính quyền địa phương được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.
Quy định mới này sẽ tạo sự linh hoạt trong tổ chức bộ máy của chính quyền địa phương. Hiện nay theo nghị quyết của Quốc hội thì đến 01/7/2021 ở Thành phổ Hà Nội sẽ không còn HĐND phường, chỉ có UBND phường.
2. Về phân cấp, phân quyền (khoản 4,5, 6 Điều 2)
+ Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 đã quy định các nội dung mang tính nguyên tắc về phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp, ủy quyền đối với chính quyền địa phương nhưng chưa quy định cụ thể về việc đảm bảo các nguồn lực để thực hiện.
 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2019 đã quy định rõ khi thực hiện phân quyền, phân cấp phải gắn phân quyền với phân cấp và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; bảo đảm các điều kiện cụ thể về ngân sách, nguồn nhân lực và các điều kiện cần thiết khác cho các địa phương; quy định cụ thể hơn các chủ thể được thực hiện ủy quyền; trách nhiệm của các cơ quan khi thực hiện ủy quyền và các điều kiện bảo đảm cho việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được ủy quyền. Đồng thời, quy định mới cũng tránh việc phân cấp, ủy quyền tràn lan, làm giảm hiệu lực quản lý trong thực hiện nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, cụ thể:
+ Việc phân quyền, phân cấp cho các cấp chính quyền địa phương phải bảo đảm điều kiện về tài chính, nguồn nhân lực và các điều kiện cần thiết khác; gắn phân quyền, phân cấp với cơ chế kiểm tra, thanh tra khi thực hiện phân quyền, phân cấp. Chính quyền địa phương thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn đã được phân quyền, phân cấp và chịu trách nhiệm trong phạm vi được phân quyền, phân cấp.
+ Việc phân cấp cho chính quyền địa phương phải được quy định trong luật và luật phải quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn mà chính quyền địa phương không được phân cấp, ủy quyền cho cơ quan nhà nước cấp dưới hoặc cơ quan, tổ chức khác.
+ Luật cũng đã quy định cụ thể việc UBND cấp trên có thể ủy quyền cho UBND cấp dưới trực tiếp, UBND có thể ủy quyền cho cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp công lập . Chủ tịch UBND có thể ủy quyền cho Phó chủ tịch, Trưởng các cơ quan chuyên môn…Việc ủy quyền phải bằng văn bản.
3. Giảm số lượng phó chủ tịch HĐND tỉnh, huyện
Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019 đã quy định giảm số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, Phó trưởng ban HĐND, cụ thể:
+ Đối với HĐND tỉnh: Trường hợp Chủ tịch HĐND tỉnh là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách thì có 01 Phó Chủ tịch HĐND. Trường hợp Chủ tịch HĐND tỉnh là đại biểu HĐND hoạt động không chuyên trách thì có 02 phó Chủ tịch HĐND.
Tương tự số lượng Phó chủ tịch HĐND, đối với các phó ban HĐND thì trường hợp Trưởng ban hoạt động chuyên trách thì có 1 phó ban. Trường hợp Trưởng ban hoạt động không chuyên trách thì có 02 phó ban.
HĐND huyện: Luật 2015 quy định có 02 phó Chủ tịch HĐND nhưng Luật 2019 quy định chỉ có 01 phó Chủ tịch HĐND huyện hoạt động chuyên trách.
4. Tăng số lượng phó Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn  (Khoản 12 , 20, 23 Điều 2)
Quy định số lượng Phó Chủ tịch UBND cấp xã, phường, thị trấn loại II có không quá 02 Phó Chủ tịch (Luật hiện hành quy định cấp xã, phường, thị trấn loại II có 01 Phó Chủ tịch). Như vậy, Luật mới tăng thêm 01 phó Chủ tịch đối với xã, phường, thị trấn loại 2.
Qua tổng kết quá trình thi hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, khảo sát thực tiễn và lấy ý kiến các địa phương cho thấy, khi thực hiện quy định của Luật này về số lượng Phó Chủ tịch UBND các cấp theo phân loại đơn vị hành chính đã làm giảm đáng kể số lượng Phó Chủ tịch UBND cấp xã loại II, III trong cả nước xuống chỉ còn 01 Phó Chủ tịch, tác động khá lớn đến hoạt động chỉ đạo điều hành và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp xã. Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 37 NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 thì thời gian tới sẽ tiến hành sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và quy mô dân số, dẫn đến số lượng đơn vị hành chính cấp xã sẽ giảm, quy mô đơn vị hành chính cấp xã và số lượng đơn vị hành chính cấp xã loại II sẽ tăng lên nhưng số lượng cán bộ, công chức cấp xã giảm xuống
Tuy nhiên, trong bối cảnh cả nước đang thực hiện chủ trương của Đảng, Quốc hội về tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, Chính phủ chỉ đề xuất tăng số lượng Phó Chủ tịch UBND cấp xã loại II có không quá 02 Phó Chủ tịch, không tăng số lượng Phó Chủ tịch UBND đối với cấp xã loại III nhằm đáp ứng yêu cầu kiện toàn cơ cấu tổ chức phù hợp, bảo đảm thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, quyền hạn và hoạt động chỉ đạo điều hành của UBND cấp xã loại II.
In bài này
 

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Bản đồ hành chính
PHÁT THANH CẨM XUYÊN
Thống kê: 109.775
Trong năm: 8.645
Trong tháng: 6.622
Trong tuần: 1.204
Trong ngày: 62
Online: 3