Chuyên mục hỏi đáp pháp luật mới: pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai, thủy lợi, đê điều

CHUYÊN MỤC HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT MỚI
I. 18 câu hỏi – đáp, tình huống pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai, thủy lợi, đê điều
Văn bản sử dụng: Nghị định 03/2022/NĐ-CP ngày 6/01/2022 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; thủy lợi; đê điều.
Câu 1. Hành vi neo đậu, dừng, đỗ không đúng nơi quy định của tàu thuyền và các phương tiện khác vào công trình phòng, chống thiên tai bị xử lý như thế nào?
Theo khoản 5 Điều 3 Luật Phòng, chống thiên tai năm 2013 (sửa đổi, bổ sung năm 2020): Công trình phòng, chống thiên tai là công trình do Nhà nước, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng, bao gồm trạm quan trắc khí tượng, thủy văn, hải văn, địa chấn, cảnh báo thiên tai; công trình đê điều, hồ đập, kè, chống úng, chống hạn, chống xâm nhập mặn, chống sạt lở, chống sụt lún đất, chống lũ quét, chống sét; khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền, nhà kết hợp sơ tán dân và công trình khác phục vụ phòng, chống thiên tai.
Việc neo đậu, dừng, đỗ không đúng nơi quy định của tàu thuyền và các phương tiện khác vào công trình phòng, chống thiên tai là một trong những hành vi cản trở sự vận hành của công trình phòng, chống thiên tai. Đây là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại Khoản 2 Điều 12 Luật Phòng, chống thiên tai năm 2013 (sửa đổi, bổ sung năm 2020).
Theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định số 03/2022/NĐ-CP ngày 6/01/2022 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; thủy lợi; đê điều, hành vi neo đậu, dừng, đỗ không đúng nơi quy định của tàu thuyền và các phương tiện khác vào công trình phòng, chống thiên tai bị phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với cá nhân vi phạm và từ 12.000.000 đồng đến 16.000.000 đồng đối với tổ chức vi phạm. Riêng hành vi sử dụng đê, kè bảo vệ đê, cống qua đê làm nơi neo đậu phương tiện, tàu, thuyền, bè, mảng không đúng quy định trong giấy phép hoặc không có giấy phép (theo khoản 1 Điều 35 Nghị định số 03/2022/NĐ-CP) thì bị phạt từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với cá nhân vi phạm và từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với tổ chức vi phạm.
Câu 2. Hành vi vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình phòng, chống thiên tai bị xử lý như thế nào?
Việc thực hiện các hành vi vi phạm về bảo vệ an toàn công trình phòng, chống thiên tai là một trong những hành vi phá hoại, làm hư hại, cản trở sự vận hành của công trình phòng, chống thiên tai bị nghiêm cấm theo quy định tại Điều 12 của Luật Phòng, chống thiên tai năm 2013 (sửa đổi, bổ sung năm 2020). Tùy theo tính chất, mức độ mà chủ thể vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính. Cụ thể:
* Theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 03/2022/NĐ-CP:
- Đối với hành vi làm hư hỏng công trình kè, công trình chống sạt lở, công trình chống sụt lún đất, công trình chống lũ quét, công trình cảnh báo thiên tai gây thiệt hại dưới 100.000.000 đồng bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
- Đối với hành vi xây dựng công trình xâm phạm công trình kè, công trình chống sạt lở, công trình chống sụt lún đất, công trình chống lũ quét, công trình cảnh báo thiên tai mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự như sau:
+ Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi xây dựng công trình với diện tích dưới 05 m2;
+ Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi xây dựng công trình với diện tích từ 05 m2 đến dưới 10 m2;
+ Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi xây dựng công trình với diện tích từ 10 m2 đến dưới 20 m2;
+ Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi xây dựng công trình với diện tích từ 20 m2 đến dưới 30 m2;
+ Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi xây dựng công trình với diện tích từ 30 m2 trở lên.
Các mức phạt nêu trên áp dụng đối với cá nhân vi phạm, mức phạt tiền đối với tổ chức có hành vi vi phạm bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Ngoài ra, các tổ chức cá nhân vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm và biện pháp khắc phục hậu quả buộc khôi phục tình trạng ban đầu.
* Đối với hành vi vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình phòng, chống thiên tai với tính chất, mức độ nghiêm trọng còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông theo quy định tại Điều 238 Bộ Luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Câu 3. Hành vi đổ đất, chất thải, để nguyên liệu, vật liệu, vật tư, phương tiện vào công trình phòng, chống thiên tai bị xử phạt như thế nào?
Điều 10 Nghị định số 03/2022/NĐ-CP quy hành vi đổ đất, chất thải, để nguyên liệu, vật liệu, vật tư, phương tiện vào công trình kè, công trình chống sạt lở, công trình chống sụt lún đất, công trình chống lũ quét, công trình cảnh báo thiên tai bị phạt tiền như sau:
a) Từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với khối lượng dưới 03 m3;
b) Từ 3.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với khối lượng từ 03 m3 đến dưới 05 m3;
c) Từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với khối lượng từ 05 m3 đến dưới 10 m3;
d) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với khối lượng từ 10 m3 đến dưới 50 m3;
đ) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với khối lượng từ 50 m3 đến dưới 200 m3;
e) Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với khối lượng từ 200 m3 đến dưới 500 m3;
g) Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với khối lượng từ 500 m3 trở lên.
Các mức phạt nêu trên áp dụng đối với cá nhân vi phạm, mức phạt tiền đối với tổ chức có hành vi vi phạm bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Ngoài ra, các tổ chức cá nhân vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc khôi phục tình trạng ban đầu.
Câu 4. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh T đã có Công điện cấm các phương tiện ra khơi tại vùng biển tỉnh T do cơn bão số 02 đổ bộ. Tuy nhiên, một số phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển không cung cấp thông tin về vị  trí, tình trạng; trì hoãn không đưa phương tiện, tàu thuyền vào nơi neo đậu an toàn. Hành vi này bị xử phạt như thế nào?
Hành vi chống đối, cản trở, cố ý trì hoãn hoặc không chấp hành sự chỉ đạo, chỉ huy phòng, chống thiên tai của cơ quan hoặc người có thẩm quyền là một trong những hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại Điều 12 Luật Phòng, chống thiên tại năm 2013 (sửa đổi, bổ sung năm 2020).
Điều 12 Nghị định số 03/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định trong triển khai ứng phó với thiên tai như sau:
1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không chấp hành sự chỉ đạo, chỉ huy phòng, chống thiên tai của cơ quan hoặc người có thẩm quyền trừ quy định tại khoản 3 Điều này.
2. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi không cung cấp hoặc cung cấp thông tin sai lệch về vị trí, tình trạng của phương tiện tàu, thuyền đang hoạt động trên biển, sông, hồ, kênh, rạch, đầm, phá cho chính quyền địa phương, cơ quan chức năng khi có thiên tai.
3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không chấp hành sự chỉ đạo, chỉ huy phòng, chống thiên tai của người có thẩm quyền đối với chủ phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển, sông, hồ, kênh, rạch, đầm, phá.
Như vậy, đối với chủ phương tiện, tàu thuyền không cung cấp thông tin hành vi không cung cấp hoặc cung cấp thông tin sai lệch về vị trí, tình trạng của phương tiện tàu, thuyền đang hoạt động trên biển cho chính quyền địa phương, cơ quan chức năng khi có thiên tai sẽ bị phạt từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng; các chủ phương tiện, tàu thuyền có ý trì hoãn không đưa phương tiện, tàu thuyền vào nơi neo đậu an toàn theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền có thể bị phạt từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
Câu 5. Hành vi vi phạm quy định về cứu hộ, cứu nạn trong phòng, chống thiên tai bị xử phạt hành chính như thế nào?
Cứu hộ, cứu nạn là công tác đặc biệt không thể thiếu để đảm bảo an toàn cho người gặp nạn trong thời điểm gặp thiên tai. Các hành vi vi phạm quy định về cứu hộ, cứu nạn trong phòng, chống thiên tai sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 13 Nghị định 03/2022/NĐ-CP. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi biết người khác gặp nạn nhưng không thông tin kịp thời để lực lượng chức năng đến cứu nạn trên biển, đầm, phá, sông, suối, ao, hồ, kênh, rạch.
Thứ hai, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không cứu người, phương tiện bị nạn trên biển, đầm, phá, sông, suối, ao, hồ, kênh, rạch mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, trừ trường hợp không đủ điều kiện hoặc bất khả kháng.
Thứ ba, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi yêu cầu cứu hộ, cứu nạn nhưng không hợp tác khi lực lượng cứu hộ, cứu nạn tiếp cận.
Thứ tư, phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi báo nạn giả để yêu cầu cứu hộ đối với phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển, trên sông, trên hồ.
Câu6. Trong đợt lũ lụt tại tỉnh N vừa qua, một số người dân đã cố ý kê khai tăng thiệt hại về tài sản so với thực tế để được nhận tiền cứu trợ. Hành vi này có bị xử phạt không? Mức phạt cụ thể như thế nào?
Theo khoản 1 Điều 14 Nghị định số 03/2022/NĐ-CP, hành vi cố ý kê khai, báo cáo sai sự thật về thiệt hại do thiên tai gây ra sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Bên cạnh đó, người vi phạm còn bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do hành vi kê khai sai sự thật.
Câu7. Năm vừa qua, người dân xã D bị thiệt hại nặng nề do ảnh hưởng của cơn bão lũ và rét đậm, rét hại. Do vậy, Ủy ban nhân dân xã D đã xin Ủy ban nhân đân tỉnh hỗ trợ tiền để khôi phục sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại do mưa lũ và hỗ trợ giống cây trồng để khôi phục sản xuất cho người dân. Tiền hỗ trợ được chuyển cho người dân thông qua các trưởng thôn. Tuy nhiên, ông T trưởng thôn A sau khi nhận tiền hỗ trợ không kịp thời chuyển tiền hỗ trợ cho người dân trong thôn theo quy định. Hành vi của ông T bị xử lý như thế nào?
Việc hỗ trợ khẩn cấp để đảm bảo những nhu cầu sinh hoạt tức thời  cũng như những hình thức hỗ trợ trung hạn, dài hạn sẽ giúp người dân khắc phục khó khăn, trở lại cuộc sống bình thường sau mỗi lần thiên tai đi qua là hết sức cần thiết và phải bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng. Để xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm trong hoạt động cứu trợ thiên tai, khoản 2 Điều 14 Nghị định số 03/2022/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
- Sử dụng sai mục đích, làm thất thoát tiền, hàng cứu trợ, cứu trợ không đúng đối tượng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
- Chiếm đoạt hàng cứu trợ mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
- Thực hiện nhiệm vụ cứu trợ không kịp thời.
Như vậy, theo quy định nêu trên, ông T có thể bị phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng do có hành vi thực hiện nhiệm vụ cứu trợ không kịp thời. Ngoài ra, ông T buộc tiếp tục thực hiện hoạt động cứu trợ cho người dân.
Câu8. Ủy ban nhân dân huyện B vừa có Công văn yêu cầu các doanh nghiệp trên địa bàn phải đóng tiền quỹ phòng chống thiên tai. Theo yêu cầu Công văn, Công ty TNHH May mặc A phải đóng góp số tiền 16.000.000 đồng, các công nhân viên đóng 130.000 đồng/người. Xin hỏi, doanh nghiệp và người lao động có bắt buộc phải đóng quỹ phòng, chống thiên tai không? Nếu không đóng quỹ thì bị xử lý như thế nào?
Theo Điều 10 Luật Phòng, chống thiên tại năm 2013 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và Điều 3 Nghị định 78/2021/NĐ-CP ngày 01/8/2021 về thành lập và quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai: Quỹ phòng, chống thiên tai là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách có tư cách pháp nhân, con dấu riêng và được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và các ngân hàng thương mại hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.
 Điều 12 Nghị định 78/2021/NĐ-CP quy định đối tượng bắt buộc và mức đóng vào Quỹ phòng, chống thiên tai như sau:
- Tổ chức kinh tế trong nước và nước ngoài tại địa bàn: Một năm đóng góp 0,02% trên tổng giá trị tài sản hiện có theo báo cáo tài chính lập ngày 31/12 hàng năm của tổ chức báo cáo cơ quan Thuế nhưng tối thiểu 500 nghìn đồng, tối đa 100 triệu đồng và được hạch toán vào chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh của tổ chức.
- Công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi đến hết tuổi lao động theo quy định của pháp luật:
+ Cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương, phụ cấp và người lao động làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động ở trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (cấp huyện), ở xã, phường, thị trấn (cấp xã), ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và lực lượng vũ trang đóng một phần hai của mức lương cơ sở chia cho số ngày làm việc trong tháng.
+ Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động trong các doanh nghiệp đóng một phần hai của mức lương tối thiểu vùng chia cho số ngày làm việc trong tháng theo hợp đồng lao động.
Người lao động giao kết nhiều hợp đồng với nhiều doanh nghiệp chỉ phải đóng 01 lần theo 01 hợp đồng lao động có thời gian dài nhất.
+ Người lao động khác, ngoài các đối tượng trên đóng góp 10.000 đồng/người/năm.
Như vậy, các tổ chức kinh tế trong nước và nước ngoài, công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi đến hết tuổi lao động trong điều kiện lao động bình thường có nghĩa vụ đóng quỹ phòng chống thiên tai.
Đối với các trường hợp doanh nghiệp và người lao động không đóng Quỹ phòng chống thiên tai, căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 17 Nghị định 03/2022/NĐ-CP sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính như sau:
- Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi không đóng Quỹ phòng, chống thiên tai dưới 300.000 đồng;
- Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi không đóng Quỹ phòng, chống thiên tai từ 300.000 đồng đến dưới 500.000 đồng;
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi không đóng Quỹ phòng, chống thiên tai từ 500.000 đồng đến dưới 3.000.000 đồng;
- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không đóng Quỹ phòng, chống thiên tai từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng;
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi không đóng Quỹ phòng, chống thiên tai từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng;
- Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với hành vi không đóng Quỹ phòng, chống thiên tai từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng;
- Phạt tiền từ 12.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không đóng Quỹ phòng, chống thiên tai từ 20.000.000 đồng đến dưới 40.000.000 đồng;
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không đóng Quỹ phòng, chống thiên tai từ 40.000.000 đồng đến dưới 60.000.000 đồng;
- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi không đóng Quỹ phòng, chống thiên tai từ 60.000.000 đồng đến dưới 80.000.000 đồng;
- Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi không đóng Quỹ phòng, chống thiên tai từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Mức phạt trên áp dụng đối với cá nhân vi phạm, mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp TNHH May mặc A không đóng Quỹ phòng, chống thiên tai với số tiền 16.000.000 đồng có thể bị phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 24.000.000 đồng. Đối với người lao động của công ty nếu không đóng quỹ có thể bị phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng và bị buộc phải đóng Quỹ phòng, chống thiên tai.
Câu9. Khi nhận được văn bản của Ủy ban nhân dân huyện T yêu cầu doanh nghiệp và người lao động trên địa bàn đóng Quỹ phòng, chống thiên tai. Ông K chủ Công ty A chỉ đạo kế toán chỉ đóng tiền Quỹ theo nghĩa vụ của công ty. Đối với tiền quỹ thuộc trách nhiệm đóng góp của công nhân, ông K cho rằng: “Từng cá nhân người lao động phải có trách nhiệm đóng cho Ủy ban nhân dân huyện T, Công ty A không có trách nhiệm đứng ra thu tiền đóng quỹ của công nhân”. Xin hỏi, quan điểm như vậy của ông K có đúng pháp luật không?
Điều 15 Nghị định 78/2021/NĐ-CP quy định trách nhiệm quản lý thu, kế hoạch thu nộp Quỹ phòng, chống thiên tai như sau:
- Thủ trưởng tổ chức kinh tế trong nước và nước ngoài trên địa bàn có trách nhiệm cung cấp đầy đủ danh sách kế hoạch thu, nộp quỹ của các cá nhân do mình quản lý và nộp Quỹ cấp tỉnh theo định mức được quy định tại khoản 1 và điểm b khoản 3 Điều 12 Nghị định này chuyển vào tài khoản của Quỹ cấp tỉnh hoặc tài khoản ở cấp huyện do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ủy quyền.
- Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động được quy định tại điểm a khoản 3 Điều 12 Nghị định này có trách nhiệm thu của cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương, phụ cấp và người lao động thuộc phạm vi quản lý và chuyển vào tài khoản của Quỹ cấp tỉnh hoặc vào tài khoản ở cấp huyện do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ủy quyền.
- Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức thu của các đối tượng lao động khác trên địa bàn theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 12 Nghị định này và chuyển vào tài khoản ở cấp huyện do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ủy quyền. Việc thu bằng tiền mặt phải có chứng từ theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Như vậy, ông K là chủ Công ty A phải có trách nhiệm cung cấp đầy đủ danh sách kế hoạch thu, nộp quỹ của người lao động của Công ty do mình quản lý và nộp Quỹ cấp tỉnh theo định mức quy định và chuyển vào tài khoản của Quỹ cấp tỉnh hoặc tài khoản ở cấp huyện do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ủy quyền. Nếu ông K không thực hiện trách nhiệm nêu trên thì công ty A sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Nghị định số 03/2022/NĐ-CP. Cụ thể: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với tổ chức kinh tế trong nước và nước ngoài khi thực hiện hành vi không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ danh sách kế hoạch thu, nộp Quỹ phòng, chống thiên tai của các cá nhân do mình quản lý cho cơ quan có thẩm quyền.
Câu10. Hành vi gây cản trở dòng chảy của công trình thủy lợi bị xử phạt như thế nào?
Theo quy định tại Điều 19 Nghị định số 03/2022/NĐ-CP, hành vi gây cản trở dòng chảy của công trình thủy lợi sẽ bị xử lý như sau:
- Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong các hành vi trồng rau, cắm đăng đó, chất chà và các hình thức đánh bắt khác gây cản trở dòng chảy.
- Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi ngâm tre, luồng, nứa, lá, gỗ hoặc tạo các vật cản khác gây cản trở dòng chảy.
Mức phạt trên áp dụng đối với cá nhân vi phạm, mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Ngoài ra, cơ quan có thẩm quyền còn yêu cầu người vi phạm tháo dỡ, di chuyển các vật chất làm cản trở dòng chảy bvà buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của công trình thủy lợi.
Câu11.Nhận thấy vào mua hè, nhiều người ra hồ thủy lợi gần nhà để hóng mát, ông A dựng tạm quán nước trên bờ hồ để bán trà đá. Hành vi của ông A có vi phạm pháp luật không và bị xử lý như thế nào?
Theo khoản 3 Điều 2 Luật Thủy lợi năm 2017 (được sửa đổi, bổ sung năm 2018, năm 2020): Công trình thủy lợi là công trình hạ tầng kỹ thuật thủy lợi bao gồm đập, hồ chứa nước, cống, trạm bơm, hệ thống dẫn, chuyển nước, kè, bờ bao thủy lợi và công trình khác phục vụ quản lý, khai thác thủy lợi.
Điều 40 Luật Thủy lợi về phạm vi bảo vệ của công trình. Theo đó:
“1. Phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi bao gồm công trình và vùng phụ cận.
2. Trong phạm vi bảo vệ công trình, các hoạt động phải bảo đảm không gây cản trở cho việc vận hành và an toàn công trình; phải có đường quản lý, mặt bằng để bảo trì và xử lý khi công trình xảy ra sự cố.
3. Vùng phụ cận của hồ chứa nước bao gồm vùng phụ cận của đập và vùng phụ cận của lòng hồ chứa nước được quy định như sau:
a) Vùng phụ cận của đập có phạm vi được tính từ chân đập trở ra. Đối với đập cấp đặc biệt tối thiểu là 300 m; đập cấp I tối thiểu là 200 m; đập cấp II tối thiểu là 100 m; đập cấp III tối thiểu là 50 m; đập cấp IV tối thiểu là 20 m;
b) Vùng phụ cận của lòng hồ chứa nước có phạm vi được tính từ đường biên có cao trình bằng cao trình đỉnh đập trở xuống phía lòng hồ.…”
          Ông A có hành vi dựng quán nước bán trà đá trên bờ hồ (đập) trong phạm vi bảo vệ của công trình thủy lợi. Hành vi trên của ông A đã vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi. Hành vi trên của ông A sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 24 Nghị định số 03/2022/NĐ-CP. Cụ thể: Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi làm lều, quán, tường; xây dựng các công trình tạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.
          Ngoài ra ông A còn buộc tháo dỡ quán nước để khôi phục tình trạng ban đầu cho hồ thủy lợi.
Câu12. Đập thủy lợi có thuộc phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi hay không? Hành vi xây dựng cầu bê tông kiên cố bắt qua đập thủy lợi sẽ bị xử phạt như thế nào?
Điều 2 Luật Thủy lợi năm 2017 quy định công trình thủy lợi là công trình hạ tầng kỹ thuật thủy lợi bao gồm đập, hồ chứa nước, cống, trạm bơm, hệ thống dẫn, chuyển nước, kè, bờ bao thủy lợi và công trình khác phục vụ quản lý, khai thác thủy lợi. Căn cứ Điều 40 Luật Thủy lợi 2017 xác định phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi bao gồm công trình và vùng phụ cận.
Khoản 10 Điều 8 Luật Thủy lợi năm 2017 quy định nghiêm cấm hành vi lấn chiếm, sử dụng đất trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.
Căn cứ điểm b khoản 7 Điều 24 nghị định 03/2022/NĐ-CP quy định vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi như sau:Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi xây dựng nhà ở, cầu, kè, nơi sản xuất và các công trình kiên cố khác không có giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Như vậy, hành vi xây dựng cầu bê tông kiên cố bắt qua đập thủy lợi sẽ bị xử phạt từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng. Mức phạt tiền nêu trên áp dụng đối với các hành vi vi phạm của cá nhân. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (Điều 6 Nghị định 03/2022/NĐ-CP).
Câu13. Thấy mương nước trước cửa nhà ảnh hưởng đến việc đi lại của gia đình. Anh T đã tự ý lấp mương dẫn đến không đưa nước được vào cánh đồng canh tác gần đó. Hành vi tự ý ngăn, lấp công trình thủy lợi là mương nước gây ảnh hưởng đến canh tác bị xử lý như thế nào?
Khoản 3, 4 và khoản 6 Điều 2 Luật Thủy lợi 2017 quy định:
"3. Công trình thủy lợi là công trình hạ tầng kỹ thuật thủy lợi bao gồm đập, hồ chứa nước, cống, trạm bơm, hệ thống dẫn, chuyển nước, kè, bờ bao thủy lợi và công trình khác phục vụ quản lý, khai thác thủy lợi.
4. Thủy lợi nội đồng là công trình kênh, mương, rạch, đường ống dẫn nước tưới, tiêu nước trong phạm vi từ điểm giao nhận sản phẩm, dịch vụ thủy lợi đến khu đất canh tác.
...
6. Hệ thống dẫn, chuyển nước bao gồm kênh, mương, rạch, đường ống, xi phông, tuynel, cầu máng dùng để dẫn, chuyển nước."
Theo quy định trên, mương nước được xác định là công trình thủy lợi.
Hành vi ngăn, lấp, đào, nạo vét, hút bùn, cát, sỏi trên sông, kênh, mương, rạch, hồ, ao trái phép làm ảnh hưởng đến hoạt động thủy lợi là hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thủy lợi quy định tại khoản 4 Điều 8 Luật Thủy lợi 2017.
Khoản 7 Điều 24 Nghị định 03/2022/NĐ-CP quy định như sau:
Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Tự ý dỡ bỏ hoặc lấp công trình thủy lợi;
b) Xây dựng nhà ở, cầu, kè, nơi sản xuất và các công trình kiên cố khác không có giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
c) Ngăn, lấp, đào, nạo vét, hút bùn, cát, sỏi trên sông, kênh, mương, rạch, hồ, ao trái phép mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
d) Lập bến bãi, tập kết nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, vật tư, phương tiện trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi”.
Như vậy, với hành vi tự lấp mương dẫn nước, anh T có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng. Đồng thời, buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của công trình.
Câu14. Hành vi chiếm dụng đất, xây dựng nhà ở trên đê chắn lũ bị xử phạt như thế nào?
Căn cứ Khoản 1 Điều 23 Luật Đê điều 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), phạm vi bảo vệ đê điều bao gồm đê, kè bảo vệ đê, cống qua đê, công trình phụ trợ và hành lang bảo vệ đê, kè bảo vệ đê, cống qua đê.
Khoản 5 Điều 7 Luật Đê điều 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định nghiêm cấm hành vi: “Xây dựng công trình, nhà ở trong phạm vi bảo vệ đê điều và phạm vi lòng sông không gồm bãi nổi hoặc cù lao, trừ công trình phục vụ phòng, chống lũ, lụt, bão, công trình phụ trợ và công trình đặc biệt.”
Theo Điều 32 Nghị định 03/2022/NĐ-CP thì hành vi xây dựng nhà ở, công trình trong phạm vi bảo vệ đê điều và phạm vi lòng sông không gồm bãi nổi hoặc cù lao như sau:
1. Phạt tiền đối với hành vi xây dựng nhà ở, công trình trong phạm vi bảo vệ đê điều và phạm vi lòng sông không bao gồm bãi nổi hoặc cù lao, trừ công trình phục vụ phòng, chống lũ, lụt, bão, công trình phụ trợ và công trình đặc biệt như sau:
a) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với diện tích dưới 02 m2; hoặc có chiều dài dưới 02 m đối với công trình theo tuyến, dạng tường;
b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với diện tích từ 02 m2 đến dưới 05 m2; hoặc có chiều dài từ 02 m đến dưới 05 m đối với công trình theo tuyến, dạng tường;
c) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với diện tích từ 05 m2 đến dưới 10 m2; hoặc có chiều dài từ 05 m đến dưới 10 m đối với công trình theo tuyến, dạng tường;
d) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với diện tích từ 10 m2 đến dưới 30 m2; hoặc có chiều dài từ 10 m đến dưới 20 m đối với công trình theo tuyến, dạng tường;
đ) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với diện tích từ 30 m2 đến dưới 50 m2; hoặc có chiều dài từ 20 m đến dưới 30 m đối với công trình theo tuyến, dạng tường;
e) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với diện tích từ 50 m2 đến dưới 80 m2; hoặc có chiều dài từ 30 m đến dưới 50 m đối với công trình theo tuyến, dạng tường;
g) Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với diện tích từ 80 m2 trở lên; hoặc có chiều dài từ 50 m trở lên đối với công trình theo tuyến, dạng tường.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này."
Như vậy, hành vi xây dựng nhà ở trên đê chắn lũ thuộc phạm vi bảo vệ đê điều sẽ bị xử phạt mức phạt thấp nhất 1.000.000 đồng, cao nhất là 100.000.000 đồng tùy từng trường hợp và bị buộc khôi phục tháo dỡ nhà đã xây để khôi phục lại tình trạng ban đầu của đê. Mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định nêu trên là mức phạt áp dụng đối với cá nhân. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (Điều 6 Nghị định 03/2022/NĐ-CP).
Câu15. Làng H có nghề đan mây tre đan truyền thống. Một số người dân trong thôn tự ý chặt tre chắn sóng ở bãi sông ngoài đê để làm vật liệu đan. Xin hỏi, hành vi trên của một số người dân làng H có vi phạm pháp luật và bị xử lý như thế nào?
Điều 29 Luật Đê điều năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định: Việc khai thác cây chắn sóng trong hành lang bảo vệ đê, kè bảo vệ đê, cống qua đê phải theo sự hướng dẫn của cơ quan nhà nước quản lý đê điều ở địa phương. Hành vi phá hoại cây chắn sóng bảo vệ đê trừ trường hợp nêu trên là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại khoản 9 Điều 8 Luật Đê điều.
Việc một số người dân làng H tự ý chặt tre chắn sóng ngoài đê để làm nguyên vật liệu mây tre đan không theo sự hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền có thể làm ảnh hướng đến an toàn của công trình đê điều và được xác định là hành vi phá hoại cây chắn sống bảo vệ đê.
Khoản 1 Điều 27 Nghị định số 03/2022/NĐ-CP quy định phạt tiền đối với hành vi phá hoại cây chắn sóng bảo vệ đê như sau:
- Từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với số lượng dưới 05 cây;
- Từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với số lượng từ 05 cây đến dưới 10 cây;
- Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với số lượng từ 10 cây đến dưới 30 cây;
- Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với số lượng từ 30 cây đến dưới 50 cây;
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với số lượng từ 50 cây đến dưới 100 cây;
- Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với số lượng từ 100 cây trở lên.
Như vậy, tùy theo số lượng tre đã tự ý chặt, người dân vi phạm có thể bị phạt tiền mức phạt thấp nhất là 500.000 đồng, cao nhất là 50.000.000 đồng.
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 10, 11 Điều 27, người vi phạm còn bị tịch thu số tre đã chặt và buộc trồng lại cây chắn sóng đã phá hoại.
Câu16. Trên bãi sông của thôn H có nhiều hộ kinh doanh vật liệu xây dựng tập kết đất, cát, vật liệu xây dựng với khối lượng và chiều cao lớn trên bãi sông ảnh hưởng đến thoát lũ, ổn định bờ. Xin hỏi, hành vi này bị xử lý như thế nào?
Khoản 7 Điều 7 Luật Đê điều năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định nghiêm cấm đổ chất thải trong phạm vi bảo vệ đê điều, ở bãi sông, lòng sông; để vật liệu trong phạm vi bảo vệ đê điều, trừ vật tư dự trữ phòng, chống lũ, lụt, bão.
Theo đó, Khoản 3 Điều 29 Nghị định số 03/2022/NĐ-CP quy định phạt tiền đối với hành vi để vật liệu ở lòng sông, bãi sông và các hoạt động khác gây cản trở dòng chảy và thoát lũ nhưng không có biện pháp xử lý, khắc phục như sau:
- Từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với khối lượng dưới 02 m3;
- Từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với khối lượng từ 02 m3 đến dưới 05 m3;
- Từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với khối lượng từ 05 m3 đến dưới 10 m3;
- Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với khối lượng từ 10 m3 đến dưới 30 m3;
- Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với khối lượng từ 30 m3 đến dưới 100 m3;
- Từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với khối lượng từ 100 m3 đến dưới 300 m3;
- Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với khối lượng từ 300 m3 đến dưới 500 m3;
- Từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với khối lượng từ 500 m3 trở lên.
Mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định nêu trên là mức phạt áp dụng đối với cá nhân. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (Điều 6 Nghị định 03/2022/NĐ-CP). Ngoài ra, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm và buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của bãi sông, lòng sông theo quy định tại khoản 4, khoản 5 Điều 29 Nghị định số 03/2022/NĐ-CP.
Câu17. Hành vi chiếm dụng, sử dụng hoặc di chuyển sai quy định đất, đá, cát, sỏi thuộc vật tư dự trữ phòng, chống lũ, lụt, bão bị xử lý như thế nào?
Theo quy định tại Điều 30 Nghị định số 03/2022/NĐ-CP, hành vi chiếm dụng, sử dụng hoặc di chuyển sai quy định đất, đá, cát, sỏi thuộc vật tư dự trữ phòng, chống lũ, lụt, bão bị xử lý như sau:
- Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với khối lượng dưới 0,5 m3;
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với khối lượng từ 0,5 mđến dưới 02 m3;
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với khối lượng từ 02 m3 đến dưới 05 m3;
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với khối lượng từ 05 m3 đến dưới 10 m3;
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với khối lượng từ 10 m3 đến dưới 20 m3;
- Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với khối lượng từ 20 m3 đến dưới 30 m3;
- Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với khối lượng từ 30 m3 trở lên.
Mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định nêu trên là mức phạt áp dụng đối với cá nhân. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (Điều 6 Nghị định 03/2022/NĐ-CP). Ngoài ra, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị buộc nộp lại vật tư dự trữ phòng, chống lũ, lụt, bão đã chiếm dụng, sử dụng, di chuyển sai quy định.
Câu18. Hành vi sử dụng xe cơ giới vượt quá tải trọng cho phép đi trên đê bị xử phạt như thế nào?
Tình trạng xe quá tải lưu thông trên đê là một hiện tượng khá phổ biến, gây ảnh hưởng đến an toàn đê, an toàn giao thông và đời sống dân sinh. Khoản 6 Điều 7 Luật Đê điều năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định nghiêm cấm sử dụng xe cơ giới vượt quá tải trọng cho phép đi trên đê; sử dụng xe cơ giới đi trên đê khi có biển cấm trong trường hợp đê có sự cố hoặc có lũ, lụt, bão, trừ xe kiểm tra đê, xe hộ đê, xe làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, cứu thương, cứu hỏa.
Điều 31 Nghị định số 03/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt đối với hành vi sử dụng xe đi trên đê như sau:
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi điều khiển xe cơ giới, xe máy chuyên dùng vượt quá tải trọng cho phép đi trên đê.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng xe cơ giới, xe máy chuyên dùng đi trên đê khi có biển cấm trong trường hợp đê có sự cố hoặc có lũ, lụt, bão, trừ xe kiểm tra đê, xe hộ đê, xe làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, cứu thương, xe chữa cháy.
3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi điều khiển xe cơ giới đi trên đê không đúng quy định trong giấy phép.
4. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi điều khiển xe cơ giới đi trên đê không có giấy phép.
5. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tước quyền sử dụng giấy phép trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này.
6. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu nếu làm hư hỏng đê điều đối với các hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều này.
Như vậy, căn cứ quy định nêu trên,  hành vi điều khiển xe cơ giới, xe máy chuyên dùng vượt quá tải trọng cho phép đi trên đê sẽ bị phạt tiền từ phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Người vi phạm còn phải Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu nếu làm hư hỏng đê điều.
                                   Sưu tầm: trang thông tin : https://pbgdpl.moj.gov.vn


 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Bản đồ hành chính
PHÁT THANH CẨM XUYÊN
Thống kê: 108.433
Trong năm: 7.304
Trong tháng: 5.608
Trong tuần: 3.013
Trong ngày: 111
Online: 11