Ngày 13 tháng 11 năm 2020, Quốc hội khóa XIV, tại kỳ họp thứ 10 đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (sau đây gọi tắt là Luật sửa đổi, bổ sung). Theo đó, Luật sửa đổi, bổ sung sẽ chính thức có hiệu lực từ 01/01/2022. Luật sửa đổi, bổ sung được Quốc hội thông qua gồm 3 Điều với một số điểm mới như sau:
Một số quy định mới trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính
Ngày 13 tháng 11 năm 2020, Quốc hội khóa XIV, tại kỳ họp thứ 10 đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (sau đây gọi tắt là Luật sửa đổi, bổ sung). Theo đó, Luật sửa đổi, bổ sung sẽ chính thức có hiệu lực từ 01/01/2022. Luật sửa đổi, bổ sung được Quốc hội thông qua gồm 3 Điều với một số điểm mới như sau:
1. Về nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính
Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành vừa quy định hành vi "vi phạm hành chính nhiều lần" thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, vừa quy định “vi phạm hành chính nhiều lần” là tình tiết tăng nặng. Tuy nhiên, quá trình thực hiện quy định này gặp vướng mắc do các Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực không quy định cụ thể hành vi vi phạm hành chính nhiều lần nào thì bị xử phạt về từng lần vi phạm, trường hợp nào thì bị xử phạt 01 lần và áp dụng tình tiết tăng nặng “vi phạm hành chính nhiều lần”.
Vì vậy, để khắc phục bất cập trên, Luật sửa đổi, bổ sung đã quy định tại Khoản 2 Điều 1 – sửa đổi, bổ sung Điểm d Khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính theo hướng: một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, trừ trường hợp vi phạm hành chính nhiều lần được Chính phủ quy định áp dụng tình tiết tăng nặng. Như vậy, về cơ bản trường hợp “vi phạm hành chính nhiều lần” sẽ bị xử phạt về từng hành vi vi phạm; chỉ xử phạt 01 lần và áp dụng tình tiết tăng nặng “vi phạm hành chính nhiều lần” khi có quy định cụ thể của Chính phủ (tại các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực) về áp dụng tình tiết tăng nặng đối với trường hợp vi phạm hành chính nhiều lần đó.
2. Tăng mức phạt tiền tối đa trong một số lĩnh vực
Trên cơ sở thực tiễn thi hành, mức phạt tiền tối đa của nhiều lĩnh vực theo quy định hiện hành còn thấp, chưa đủ sức răn đe, chưa thực sự tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm. Vì thế, Luật sửa đổi, bổ sung đã tăng mức phạt tiền tối đa của nhiều lĩnh vực như: Giao thông đường bộ; Phòng, chống tệ nạn xã hội tăng từ 40 triệu lên 75 triệu đồng; Cơ yếu, Giáo dục; Quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia từ 50 triệu lên 75 triệu đồng; Điện lực: từ 50 triệu lên 100 triệu đồng; Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: từ 100 triệu lên 200 triệu đồng; Báo chí: từ 100 triệu lên 250 triệu đồng; Kinh doanh bất động sản từ 150 triệu lên 500 triệu đồng.
Ngoài ra, Luật sửa đổi, bổ sung đã bổ sung quy định mức phạt tiền tối đa trong một số lĩnh vực mới chưa được Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành quy định như: Tín ngưỡng; Đối ngoại: 30 triệu đồng; Cứu nạn, cứu hộ: 50 triệu đồng; An toàn thông tin mạng: 100 triệu đồng; Sở hữu trí tuệ: 250 triệu đồng,...
Bên cạnh đó, quy định về mức phạt tối đa trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp và hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh đã được lược bỏ vì kinh doanh theo phương thức đa cấp là một hình thức kinh doanh thuộc lĩnh vực thương mại đã được quy định mức phạt tiền tối đa là 100 triệu đồng; hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh thuộc lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội đã được quy định mức phạt tiền tối đa là 40 triệu đồng.
3. Bổ sung thêm nhiều chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính
Luật sửa đổi, bổ sung đã bổ sung thêm nhiều chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính để phù hợp với sự thay đổi, điều chỉnh về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong bộ máy nhà nước. Cụ thể đã bổ sung thẩm quyền của Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, Trưởng Công an cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động, Thủy đoàn trưởng, Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Đội trưởng Đội đặc nhiệm Phòng chống ma túy và tội phạm thuộc Bộ đội Biên phòng,…
Việc bổ sung thẩm quyền xử phạt của chức danh này trong Luật Xử lý vi phạm hành chính là để xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính khác để nhằm bảo đảm tính đầy đủ, tính thống nhất, tránh chồng chéo.
Luật sửa đổi, bổ sung cũng đã bổ sung thêm 08 nhóm chức danh có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính không phụ thuộc vào giá trị tang vật, phương tiện; các chức danh khác có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện có giá trị không vượt quá 02 lần mức tiền phạt theo thẩm quyền.
4. Tăng thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính
Thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính được Luật sửa đổi, bổ sung quy định như sau:
Đối với vụ việc thông thường, thời hạn ra quyết định xử phạt là 07 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính; vụ việc thuộc trường hợp phải chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền xử phạt thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 10 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính;
Đối với vụ việc thuộc trường hợp giải trình hoặc phải xác định giá trị tang vật, phương tiện, giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, xét nghiệm hoặc phải xác minh các tình tiết có liên quan thì thời hạn ra quyết định xử phạt tối đa là 01 tháng, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính;
Đối với vụ việc thuộc trường hợp phải giải trình hoặc xác định giá trị tang vật, phương tiện, giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, xét nghiệm,… mà đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp, cần có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ thì thời hạn ra quyết định xử phạt tối đa là 02 tháng, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính.
5. Thay đổi thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với một số lĩnh vực
Luật quy định thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, trừ các trường hợp gồm: Vi phạm hành chính về kế toán; hóa đơn; phí, lệ phí; kinh doanh bảo hiểm; quản lý giá; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; xây dựng; thủy sản; lâm nghiệp; điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước; hoạt động dầu khí và hoạt động khoáng sản khác; bảo vệ môi trường; năng lượng nguyên tử; quản lý, phát triển nhà và công sở; đất đai; đê điều; báo chí; xuất bản; sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh hàng hóa; sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả; quản lý lao động ngoài nước thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm.
6. Về thủ tục xử phạt
Luật sửa đổi quy định người có thẩm quyền “phải kịp thời lập biên bản” và giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này. Trên cơ sở đó, Chính phủ quy định cụ thể về thời hạn lập biên bản để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện nay, bảo đảm phù hợp với từng lĩnh vực, từng hoạt động quản lý nhà nước.
Bên cạnh đó, Luật sửa đổi, bổ sung cũng đã bổ sung quy định về phát hiện vi phạm hành chính bằng phương tiện, thiết bị nghiệp vụ theo hướng người có thẩm quyền được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện hành vi vi phạm. Đồng thời, Luật đã bổ sung quy định giao Chính phủ quy định chi tiết việc sử dụng, bảo quản kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ. Trên cơ sở đó, Chính phủ quy định cụ thể trình tự, thủ tục trong việc sử dụng kết quả thu thập được, bảo đảm đúng nguyên tắc mọi hành vi vi phạm phải được phát hiện kịp thời, việc xử phạt phải được tiến hành nhanh chóng, công khai, đúng quy định của pháp luật.
7. Bổ sung thêm trường hợp được tạm giữ người theo thủ tục hành chính
Theo đó, việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng trong các trường hợp sau đây:
+ Cần ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi gây rối trật tự công cộng, gây thương tích cho người khác;
+ Cần ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới;
+ Để thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
+ Người có hành vi bạo lực gia đình vi phạm quyết định cấm tiếp xúc theo quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình;
+ Để xác định tình trạng nghiện ma túy đối với người sử dụng trái phép chất ma túy.
Thời hạn tạm giữ người theo thủ tục hành chính không quá 12 giờ; trong trường hợp cần thiết, thời hạn tạm giữ có thể kéo dài hơn nhưng không quá 24 giờ, kể từ thời điểm bắt đầu giữ người vi phạm; trường hợp tạm giữ người vi phạm hành chính ở khu vực biên giới hoặc vùng rừng núi xa xôi, hẻo lánh, hải đảo thì thời hạn tạm giữ được tính từ thời điểm người vi phạm được áp giải đến nơi tạm giữ. Đối với trường hợp tạm giữ để xác định tình trạng nghiện ma túy thì thời hạn tạm giữ có thể kéo dài hơn nhưng không quá 05 ngày, kể từ thời điểm bắt đầu giữ người vi phạm.
8. Quy định về hoãn, miễn, giảm tiền phạt
Luật sửa đổi, bổ sung đã bổ sung quy định về hoãn tiền phạt đối với tổ chức bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng trở lên và đang gặp khó khăn đặc biệt hoặc đột xuất về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh thay vì chỉ áp dụng hoãn tiền phạt đối với cá nhân ở Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành.
Bên cạnh đó, Luật cũng sửa đổi quy định về số tiền được hoãn thi hành áp dụng cho cá nhân theo xu hướng giảm số tiền được hoãn phạt từ 3.000.000 trở lên ở Luật hiện hành xuống còn 2.000.000 đồng trở lên đối với những cá nhân đang gặp khó khăn về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, mắc bệnh hiểm nghèo.
Ngoài ra, Luật sửa đổi, bổ sung cũng bổ sung quy định về giảm, miễn tiền phạt cho tổ chức. Việc sửa đổi những quy định như trên sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa không chỉ cá nhân mà cả các tổ chức thi hành quyết định xử phạt trong trường hợp họ gặp khó khăn về kinh tế do những sự kiện đột xuất, bất ngờ như thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, tai nạn mà không phải là chính sách xã hội./.