TUYÊN TRUYỀN PHÁP LUẬTBảo hiểm thất nghiệp: Điều kiện, mức hưởng, thủ tục hưởng Bảo hiểm thất nghiệp đã và đang có ý nghĩa quan trọng đối với người lao động, giúp chia sẻ gánh nặng tài chính trong lúc chưa tìm được việc làm. Để hiểu rõ hơn về chính sách bảo hiểm thất nghiệp, cùng theo dõi toàn bộ bài viết sau.

TUYÊN TRUYỀN PHÁP LUẬT
Bảo hiểm thất nghiệp: Điều kiện, mức hưởng, thủ tục hưởng
   Bảo hiểm thất nghiệp đã và đang có ý nghĩa quan trọng đối với người lao động, giúp chia sẻ gánh nặng tài chính trong lúc chưa tìm được việc làm. Để hiểu rõ hơn về chính sách bảo hiểm thất nghiệp, cùng theo dõi toàn bộ bài viết sau.

  1. 1. Bảo hiểm thất nghiệp là gì?
Trong thời buổi kinh tế khó khăn, bảo hiểm thất nghiệp được xem là phao cứu sinh giải quyết không ít khó khăn cho người lao động.
Bảo hiểm thất nghiệp là chế độ bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì và tìm kiếm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp (theo khoản 4 Điều 3 Luật Việc làm 2013).
Theo quy định tại Điều 43 Luật Việc làm 2013, cả người lao động và người sử dụng lao động đều có trách nhiệm tham gia loại hình bảo hiểm này.
2. Mức đóng bảo hiểm thất nghiệp hằng tháng
Theo Điều 57 Luật Việc làm 2013, mức đóng bảo hiểm thất nghiệp hàng tháng của người lao động và người sử dụng lao động được xác định như sau:
- Người lao động đóng 1% tiền lương tháng.
- Người sử dụng lao động đóng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia.
Trong đó, tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp là tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc, với mức lương đóng tối đa như sau:
- Người lao động theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định:
Mức lương đóng tối đa = 20 tháng lương cơ sở = 29,8 triệu đồng/tháng
- Người lao động theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định:
Mức lương đóng tối đa = 20 tháng lương tối thiểu vùng.
3. Điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp là gì?
Theo Điều 42 Luật Việc làm năm 2013, chính sách bảo hiểm thất nghiệp bao gồm: Trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ học nghề; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động. Mỗi chế độ lại yêu cầu những điều kiện hưởng nhất định. Cụ thể:
3.1 Điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp
Căn cứ Điều 49 Luật Việc làm năm 2013, người lao động muốn hưởng trợ cấp thất nghiệp phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Đã chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
Trừ trường hợp: Đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật, hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng.
- Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động.
- Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động.
- Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ cho trung tâm dịch vụ việc làm.
Trừ các trường hợp: Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, bị tạm giam, ra nước ngoài định cư, chết,…
3.2 Điều kiện được hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm
Theo Điều 54 Luật Việc làm 2013, người lao động chỉ cần đang đóng bảo hiểm thất nghiệp, bị chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc mà có nhu cầu tìm kiếm việc làm được thì sẽ được hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm.
3.3 Điều kiện được hỗ trợ học nghề
Theo Điều 55 Luật Việc làm 2013, người lao động sẽ được hỗ trợ học nghề khi có đủ các điều kiện sau:
- Đã chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
Trừ trường hợp: Đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật, hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.
- Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 09 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
- Đã nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
- Chưa tìm được việc sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ tại trung tâm dịch vụ việc làm.
Trừ trường hợp: Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; bị tạm giam; ra nước ngoài định cư; chết,…
3.4 Điều kiện được hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm
Chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động là chính sách dành riêng cho người sử dụng lao động. Để được hưởng quyền lợi này, người sử dụng lao động phải đảm bảo có đủ các điều kiện nêu tại Điều 47 Luật Việc làm năm 2013:
- Đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động liên tục từ đủ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ.
- Gặp khó khăn do suy giảm kinh tế hoặc vì lý do bất khả kháng buộc phải thay đổi cơ cấu, công nghệ.
- Không đủ kinh phí để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động.
- Đã có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề và duy trì việc làm được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
4. Mức hưởng bảo hiểm thất nghiệp thế nào?
4.1. Trợ cấp thất nghiệp
Căn cứ Điều 50 Luật Việc làm 2013, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng chi trả cho người lao động được tính theo công thức sau:
Mức hưởng hàng tháng = 60% x Bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp
Trong đó:
Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được xác định theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp:
- Đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ 12 - 36 tháng: Được hưởng 03 tháng trợ cấp
- Sau đó, cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ thêm 12 tháng: Được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp
- Thời gian hưởng tối đa bằng 12 tháng.
4.2. Hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm
Theo Điều 54 Luật Việc làm 2013, người lao động bị bị thất nghiệp được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí thông qua trung tâm dịch vụ việc làm.
4.3. Hỗ trợ học nghề
Căn cứ Điều 3 Quyết định 17/2021/QĐ-TTg, người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp sẽ được hỗ trợ học nghề như sau:
- Khóa đào tạo nghề đến 03 tháng: Mức hỗ trợ tính theo mức thu học phí của cơ sở đào tạo nghề nghiệp và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa 4,5 triệu đồng/người/khóa đào tạo.
- Khóa đào tạo nghề trên 03 tháng: Mức hỗ trợ tính theo tháng, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa 1,5 triệu đồng/người/tháng.
4.4 Mức hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm cho người lao động
Theo Điều 4 Nghị định 28/2015/NĐ-CP, người sử dụng lao động đủ điều kiện sẽ được hỗ trợ kinh phí cho việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề nhằm duy trì việc làm cho người lao động như sau:
Mức hỗ trợ tối đa = 01 triệu đồng/người/tháng
Trong đó: Mức hỗ trợ cụ thể được tính theo tháng, thời gian học thực tế của từng nghề hoặc từng khóa học nhưng không quá 06 tháng. 
5. Hướng dẫn thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp

Trong phạm vi phần này, LuatVietnam chỉ hướng dẫn thủ tục hưởng các quyền lợi về bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động, trong đó quan trọng nhất là tiền trợ cấp thất nghiệp.
5.1 Hồ sơ làm bảo hiểm thất nghiệp gồm những gì?
Theo Điều 16 Nghị định 28/2015/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 61/2020/NĐ-CP), hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp bao gồm các giấy tờ sau:
- Đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp (theo mẫu);
- Bản chính hoặc bản sao có chứng thực của một trong các giấy tờ:
+ Hợp đồng lao động đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc.
+ Giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động.
+ Quyết định thôi việc.
+ Quyết định sa thải.
+ Quyết định kỷ luật buộc thôi việc.
+ Thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
+ Xác nhận của người sử dụng lao động trong đó có nội dung cụ thể về thông tin của người lao động; loại hợp đồng đã ký; lý do, thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động.
+ Xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc doanh nghiệp hoặc hợp tác xã giải thể, phá sản hoặc quyết định bãi nhiệm, miễn nhiệm, cách chức đối với các chức danh được bổ nhiệm trong trường hợp người lao động là người quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.
- Sổ bảo hiểm xã hội. 
5.2 Nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp ở đâu?
Căn cứ khoản 1 Điều 17 Nghị định 28/2015/NĐ-CP, trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động chưa có việc làm và có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp phải trực tiếp nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp cho trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương nơi người lao động muốn nhận trợ cấp thất nghiệp.
Sau 03 tháng, Trung tâm dịch vụ việc làm sẽ không giải quyết thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động sẽ tiếp tục được bảo lưu. 
5.3 Thời điểm được nhận tiền trợ cấp nghiệp 
Theo Điều 18 Nghị định 28/2015/NĐ-CP, nếu hồ sơ nộp hợp lệ, Trung tâm dịch vụ việc làm sẽ xem xét, trình Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động trong thời hạn 20 ngày làm việc. Sau đó gửi quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động.
Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, tới cơ quan bảo hiểm xã hội nhận trợ cấp thất nghiệp tháng đầu tiên.
Hàng tháng, người lao động phải đến trung tâm dịch vụ việc làm thực hiện thông báo tìm kiếm việc làm theo đúng quy định. 
6. Hướng dẫn tự tra cứu bảo hiểm thất nghiệp
Hiện nay có rất nhiều công cụ hỗ trợ người lao động tra cứu thông tin bảo hiểm thất nghiệp một cách dễ dàng. Bạn đọc có thể tham khảo 01 trong 04 cách sau đây:
Cách 1: Tra cứu online tại Cổng thông tin điện tử của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Ấn chọn đường link: https://baohiemxahoi.gov.vn/tracuu/Pages/dang-nhap-tra-cuu.aspx 
Cách 2: Tra cứu qua ứng dụng VssID.
Cách 3: Tra cứu bằng tin nhắn điện thoại (phí 1000 đồng/tin nhắn).
BH QT {mã số bảo hiểm xã hội} gửi 8079
BH QT {mã số bảo hiểm xã hội} {từ năm} {đến năm} gửi 8079
Cách 4: Gọi tổng đài bảo hiểm 19006068.
7. Giải đáp một số câu hỏi thường gặp về bảo hiểm thất nghiệp 
7.1 Bảo hiểm thất nghiệp có được cộng dồn không? 
Câu hỏi: Tôi đóng bảo hiểm thất nghiệp 03 năm ở công ty cũ, sau đó nghỉ việc nhưng không làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp. Hiện nay, tôi đang làm việc ở công ty mới được 06 tháng. Vậy thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp trước đây của tôi có được cộng dồn không? - Minh Thu (Hà Nội)

Theo khoản 1 Điều 45 Luật Việc làm năm 2013, thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp sẽ được cộng dồn từ khi bắt đầu đóng cho đến khi chấm dứt hợp đồng lao động. 
Bởi vậy, dù đóng bảo hiểm thất nghiệp không liên tục do chuyển nhiều nơi làm việc thì người lao động vẫn sẽ được hưởng quyền lợi về bảo hiểm thất nghiệp trên tổng thời gian mà mình đã tham gia. 
Xem thêm: Bảo hiểm thất nghiệp có được cộng dồn thời gian đóng không?
7.2 Bảo hiểm thất nghiệp có từ năm nào? 
Câu hỏi: Tôi tham gia bảo hiểm xã hội từ năm 2000, cũng là thời điểm tôi bắt đầu đi làm. Vậy, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp của tôi có giống như thời gian đóng bảo hiểm xã hội. Bảo hiểm thất nghiệp bắt đầu có từ năm nào?
Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 lần đầu tiên ghi nhận chế độ "bảo hiểm thất nghiệp". Luật này chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2007, nhưng thời điểm bắt đầu áp dụng bảo hiểm thất nghiệp là từ 01/01/2009. Như vậy, bảo hiểm thất nghiệp chính thức có từ năm 2009.

Hiện nay, bảo hiểm thất nghiệp được quy định riêng tại Luật Việc làm năm 2013, không còn quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội như trước đây. 
Do đó, thời gian người lao động tham gia hợp đồng lao động trước năm 2009 thì không được tính là thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp.  
7.3. Nhận bảo hiểm thất nghiệp 1 lần được không?
Câu hỏi: Tôi năm nay đã hơn 50 tuổi, nay nghỉ việc chờ nghỉ hưu không đi làm đâu nữa thì có nhận trợ cấp thất nghiệp 1 lần luôn được không? - Thanh Minh (Vùng Tàu)
Hiện nay, theo Điều 50 Luật Việc làm năm 2013, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp đang được tính theo từng tháng.
Cùng với đó, khoản 2 Điều 18 Nghị định 28/2015/NĐ-CP cũng quy định, cơ quan BHXH sẽ thực hiện chi trả trợ cấp thất nghiệp theo từng tháng cho người lao động.
Chính vì vậy, người lao động sẽ không thể lấy trợ cấp thất nghiệp một lần cho toàn bộ thời gian mà mình được hưởng.
7.4. Bảo hiểm thất nghiệp không lấy có mất không?
Câu hỏi: Tôi nghỉ việc hơn 1 năm chưa lấy tiền trợ cấp thất nghiệp thì liệu thời gian đóng trước đó có mất không ạ? - Hải Nam (Hòa Bình)
Căn cứ khoản 1 Điều 46 Luật Việc làm năm 2013, thời hạn nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp là 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động. Nếu để quá thời hạn này, trung tâm dịch vụ việc làm sẽ không nhận hồ sơ nữa.
Lúc này, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động sẽ được tự động bảo lưu để tính cho lần hưởng tiếp khi có đủ điều kiện.
Bởi khoản 1 Điều 45 Luật Việc làm 2013 đã nêu rõ, thời gian đóng bảo hiểm để xét hưởng bảo hiểm thất nghiệp là tổng các khoảng thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp liên tục hoặc không liên tục được cộng dồn từ khi bắt đầu đóng bảo hiểm thất nghiệp cho đến khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp.

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Bản đồ hành chính
PHÁT THANH CẨM XUYÊN
Thống kê: 109.039
Trong năm: 7.909
Trong tháng: 6.031
Trong tuần: 1.472
Trong ngày: 26
Online: 4