Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ 01/7/2024. Sau đây là tổng hợp các điểm mới đáng chú ý của Luật Các tổ chức tín dụng 2024.
Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ 01/7/2024. Sau đây là tổng hợp các điểm mới đáng chú ý của Luật Các tổ chức tín dụng 2024.
- 1. Cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ phải công khai thông tin
Đây là quy định mới đáng chú ý tại Điều 49 Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15. Cụ thể, cổ đông sở hữu từ 01% vốn điều lệ trở lên của tổ chức tín dụng phải cung cấp cho tổ chức tín dụng các thông tin:
- Họ và tên; số định danh cá nhân; quốc tịch, số hộ chiếu, ngày cấp, nơi cấp của cổ đông là người nước ngoài; số Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ pháp lý tương đương của cổ đông là tổ chức; ngày cấp, nơi cấp của giấy tờ này;
- Thông tin về người có liên quan;
- Số lượng, tỷ lệ sở hữu cổ phần của mình tại tổ chức tín dụng đó;
- Số lượng, tỷ lệ sở hữu cổ phần của người có liên quan của mình tại tổ chức tín dụng đó.
Tổ chức tín dụng phải niêm yết, lưu giữ thông tin của các cổ đông này tại trụ sở chính của tổ chức tín dụng và gửi báo cáo cho Ngân hàng Nhà nước.
Định kỳ hằng năm, tổ chức tín dụng công bố thông tin này với Đại hội đồng cổ đông, Đại hội thành viên, Hội đồng thành viên của tổ chức tín dụng.
Tổ chức tín dụng phải công bố công khai thông tin về họ và tên cá nhân, tên tổ chức là cổ đông sở hữu từ 01% vốn điều lệ trở lên của tổ chức tín dụng và thông tin số lượng, tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông và người có liên quan trên trang thông tin điện tử của tổ chức tín dụng trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày tổ chức tín dụng nhận được thông tin cung cấp.
Đối tượng cung cấp, công bố công khai thông tin phải bảo đảm thông tin cung cấp, công bố công khai trung thực, chính xác, đầy đủ, kịp thời và phải chịu trách nhiệm về việc cung cấp, công bố công khai thông tin đó.
- 2. Giảm tỉ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông
So với quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12, Điều 63 Luật Các tổ chức tín dụng đã giảm tỉ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông trong tổ chức tín dụng. Cụ thể:
- Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu cổ phần vượt quá 10% (trước đây là 15%) vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng.
- Cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần vượt quá 15% (trước đây là 20%) vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng. Đồng thời, cổ đông lớn của một tổ chức tín dụng và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần từ 05% vốn điều lệ trở lên của một tổ chức tín dụng khác.
Đối với nhà đầu tư nước ngoài, tổng mức sở hữu cổ phần tối đa sẽ do Chính phủ quy định cụ.
Các cổ đông, cổ đông và người có liên quan đã sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ sở hữu cổ phần cho phép trước 01/07/2024 được tiếp tục duy trì cổ phần nhưng không được tăng thêm cổ phần cho đến khi tuân thủ quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần theo quy định của Luật này, trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu.
Quy định trên được cho là hạn chế tình trạng sở hữu chéo, chi phối thao túng ngân hàng, từ đó giúp hệ thống các tổ chức tín dụng trở nên công khai, minh bạch và an toàn hơn.
- 3. Cấm bán bảo hiểm không bắt buộc đi kèm khoản vay
Điều 15 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 nghiêm cấm các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, người quản lý, người điều hành, nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức.
Theo đó, hoạt động bán bảo hiểm sẽ được quản lý chặt chẽ hơn, điều này cũng có thể khiến tốc độ tăng trưởng thu nhập từ bán bảo hiểm của các ngân hàng chậm lại so với trước đây.
- 4. Bổ sung quy định về xét duyệt các khoản vay tiêu dùng
Trước đây, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 chưa có quy định cụ thể về các khoản vay có giá trị nhỏ.
Tuy nhiên tại Điều 102 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 đã quy định rõ, các tổ chức tín dụng phải có tối thiểu thông tin về mục đích sử dụng vốn hợp pháp, khả năng tài chính của khách hàng trước khi quyết định cấp tín dụng đối với các khoản vay có mức giá trị nhỏ như:
- Khoản cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, khoản cấp tín dụng qua thẻ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
- Khoản cho thuê tài chính, khoản cho vay tiêu dùng, khoản cấp tín dụng qua thẻ của tổ chức tín dụng phi ngân hàng;
- Khoản cho vay phục vụ nhu cầu đời sống của quỹ tín dụng nhân dân;
- Khoản cho vay của tổ chức tài chính vi mô.
- 5. Quy định mới về can thiệp sớm các tổ chức tín dụng yếu kém
Luật Các tổ chức tín dụng 2024 bổ sung hẳn một chương gồm 06 Điều luật (từ Điều 156 - 161) quy định về các biện pháp can thiệp sớm các tổ chức tín dụng yếu kém.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định thực hiện can thiệp sớm khi tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thuộc một hoặc một số trường hợp sau đây:
- Số lỗ lũy kế của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài lớn hơn 15% giá trị của vốn điều lệ, vốn được cấp và quỹ dự trữ ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất hoặc theo kết luận thanh tra, kiểm toán của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và vi phạm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu quy định;
- Xếp hạng dưới mức trung bình theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước;
- Vi phạm tỷ lệ khả năng chi trả trong thời gian 30 ngày liên tục;
- Vi phạm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu trong thời gian 06 tháng liên tục;
- Bị rút tiền hàng loạt và có báo cáo gửi Ngân hàng Nhà nước.
Các yêu cầu đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được can thiệp sớm bao gồm:
- Tăng vốn điều lệ, vốn được cấp; tăng cường nắm giữ tài sản có tính thanh khoản cao và thực hiện các giải pháp khác để đáp ứng yêu cầu bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng;
- Cắt giảm chi phí hoạt động, chi phí quản lý, thù lao, lương, thưởng; yêu cầu bồi hoàn thù lao, tiền thưởng đối với người quản lý, người điều hành, thành viên Ban kiểm soát;
- Tăng cường quản trị rủi ro; tổ chức lại bộ máy quản trị, điều hành.
Các biện pháp hạn chế đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được can thiệp sớm bao gồm:
- Không chia cổ tức, lợi tức, phân phối lợi nhuận sau thuế sau khi trích lập các quỹ, chuyển lợi nhuận về nước; hạn chế chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp, chuyển nhượng tài sản;
- Hạn chế hoạt động kinh doanh không hiệu quả, có rủi ro cao; giảm giới hạn cấp tín dụng, giới hạn góp vốn, mua cổ phần; hạn chế tăng trưởng tín dụng;
- Đình chỉ, tạm đình chỉ một hoặc một số hoạt động ngân hàng, hoạt động kinh doanh khác có dấu hiệu vi phạm pháp luật; không bổ sung nội dung hoạt động ngân hàng, hoạt động kinh doanh mới khác, không mở rộng mạng lưới hoạt động;
- Đình chỉ người quản lý, người điều hành có hành vi vi phạm quy định pháp luật hoặc gây rủi ro lớn đến hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
- Yêu cầu bầu, bổ nhiệm thay thế người quản lý, người điều hành có hành vi vi phạm quy định pháp luật hoặc gây rủi ro lớn đến hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được can thiệp sớm;
- Biện pháp khác theo thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước.
Quy định này không ảnh hưởng nhiều đến các ngân hàng đang hoạt động bình thường tại thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, sẽ giúp các cơ quan quản lý và công chúng sớm nhận ra các rủi ro lớn thông qua báo cáo tài chính được các tổ chức tín dụng công bố.
- 6. Giảm dần mức cấp tín dụng theo từng giai đoạn
Trước đây, Luật Các tổ chức tín dụng 2010 quy định:
- 1. Tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô; tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 25% vốn tự có của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô.
- 2. Tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng không được vượt quá 25% vốn tự có của tổ chức tín dụng phi ngân hàng; tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 50% vốn tự có của tổ chức tín dụng phi ngân hàng.
Từ 01/7/2024, Luật Các tổ chức tín dụng quy định giảm dần giới hạn cấp tín dụng theo từng giai đoạn theo quy định tại Điều 136 như sau:
Tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng, một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó của ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô không được vượt quá tỷ lệ sau đây:
- Từ ngày 01/7/2024 đến trước ngày 01/01/2026: 14% vốn tự có đối với một khách hàng; 23% vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó;
- Từ ngày 01/01/2026 đến trước ngày 01/01/2027: 13% vốn tự có đối với một khách hàng; 21% vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó;
- Từ ngày 01/01/2027 đến trước ngày 01/01/2028: 12% vốn tự có đối với một khách hàng; 19% vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó;
- Từ ngày 01/01/2028 đến trước ngày 01/01/2029: 11% vốn tự có đối với một khách hàng; 17% vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó;
- Từ ngày 01/01/2029: 10% vốn tự có đối với một khách hàng; 15% vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó.
Tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có của tổ chức tín dụng phi ngân hàng; tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó không được vượt quá 25% vốn tự có của tổ chức tín dụng phi ngân hàng.
Tổng mức dư nợ cấp tín dụng trên không bao gồm khoản cho vay từ nguồn vốn ủy thác của Chính phủ, tổ chức, cá nhân mà tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhận ủy thác không chịu rủi ro hoặc trường hợp khách hàng vay là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác.
- 7. Được chuyển nhượng tài sản đảm bảo là dự án BĐS để thu hồi nợ
Luật Các tổ chức tín dụng 2024 bổ sung quy định về chuyển nhượng tài sản bảo đảm tại Điều 200, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025 theo khoản 2 Điều 210.
Theo đó, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty quản lý nợ và khai thác tài sản của tổ chức tín dụng, công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam được quyền chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản là tài sản bảo đảm để thu hồi nợ.
Đồng thời, không phải áp dụng quy định về điều kiện chủ thể kinh doanh bất động sản đối với bên chuyển nhượng dự án bất động sản của Luật Kinh doanh bất động sản.