Tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về Quyền và nghĩa vụ của người chấp hành án hình sự tại cộng đồng

TÀI LIỆU PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT VỀ QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA NGƯỜI CHẤP HÀNH ÁN HÌNH SỰ TẠI CỘNG ĐỒNG

Theo Thông tư số 65/2019/TT-BCA ngày 28/11/2019, có hiệu lực từ ngày 15/01/2020quy định về thi hành án hình sự tại cộng đồng thì người chấp hành án hình sự tại cộng đồng bao gồm người được hưởng án treo; người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ, quản chế, cấm cư trú, tước một số quyền công dân, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; người được hoãn chấp hành án phạt tù, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù; người được tha tù trước thời hạn có điều kiện.
Quyền và nghĩa vụ của người chấp hành án hình sự tại cộng đồng được quy định cụ thể như sau:
1. Về quyền và nghĩa vụ của người được hưởng án treo
Thi hành án treo là việc cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của Luật Thi hành án hình sự năm 2019 giám sát, giáo dục người bị kết án phạt tù được hưởng án treo trong thời gian thử thách (khoản 6 Điều 3 Luật Thi hành án hình sự năm 2019).
Điều 87, Luật Thi hành án hình sự năm 2019 quy định nghĩa vụ của người được hưởng án treo:
- Có mặt theo giấy triệu tập và cam kết việc chấp hành án theo quy định của Luật Thi hành án hình sự năm 2019.
- Thực hiệnnghiêm chỉnh cam kết trong việc tuân thủ pháp luật, nghĩa vụ công dân, nội quy, quy chế của nơi cư trú, nơi làm việc, học tập; chấp hành đầy đủ hình phạt bổ sung, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp vì lý do khách quan được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận.
- Chịu sự giám sát, giáo dục của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu nơi cư trú, nơi làm việc.
- Chấp hành quy định về việc vắng mặt tại nơi cư trú, thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người được hưởng án treo.
- Phải có mặt theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu.
- Hằng tháng phải báo cáo bằng văn bản với Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục về tình hình chấp hành nghĩa vụ của mình. Trường hợp vắng mặt tại nơi cư trú, thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc thì khi hết thời hạn vắng mặt, người được hưởng án treo phải báo cáo về tình hình chấp hành nghĩa vụ của mình.
Điều 88, Luật Thi hành án hình sự năm 2019 quy định việc lao động, học tập của người được hưởng án treo:
- Người được hưởng án treo là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân và viên chức quốc phòng, công nhân công an, người lao động nếu được tiếp tục làm việc tại cơ quan, tổ chức thì được bố trí công việc bảo đảm yêu cầu giám sát, giáo dục, được hưởng tiền lương và chế độ khác phù hợp với công việc mà họ đảm nhiệm, được tính vào thời gian công tác, thời gian tại ngũ theo quy định của pháp luật.
- Người được hưởng án treo được cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp tiếp nhận học tập thì được hưởng quyền lợi theo quy chế của cơ sở đó.
- Người được hưởng án treo không thuộc trường hợp quy định trên thì được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú tạo điều kiện tìm việc làm.
- Người được hưởng án treo thuộc đối tượng được hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, người đang hưởng chế độ bảo hiểm xã hội thì thực hiện theo quy định của pháp luật.
Điều 89, Luật Thi hành án hình sự năm 2019 quy định rút ngắn thời gian thử thách đối với người được hưởng án treo:
- Người được hưởng án treo được đề nghị rút ngắn thời gian thử thách khi có đủ các điều kiện sau đây: Đã chấp hành được một phần hai thời gian thử thách và trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo đã chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 87 của Luật Thi hành án hình sự năm 2019; tích cực học tập, lao động, sửa chữa lỗi lầm hoặc lập thành tích trong lao động, bảo vệ an ninh, trật tự được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khen thưởng.
- Người được hưởng án treo chỉ được xét rút ngắn thời gian thử thách mỗi năm 01 lần, mỗi lần từ 01 tháng đến 01 năm. Trường hợp thời gian thử thách còn lại không quá 01 tháng thì có thể được rút ngắn hết thời gian thử thách còn lại. Người được hưởng án treo có thể được rút ngắn thời gian thử thách nhiều lần, nhưng phải bảo đảm thực tế đã chấp hành ba phần tư thời gian thử thách.
- Trường hợp người được hưởng án treo lập công hoặc bị bệnh hiểm nghèo và có đủ các điều kiện để được đề nghị rút ngắn thời gian thử thách thì Tòa án có thể rút ngắn hết thời gian thử thách còn lại.
- Trường hợp người được hưởng án treo đã được rút ngắn thời gian thử thách nhưng sau đó vi phạm nghĩa vụ quy định tại Điều 87 của Thi hành án hình sự năm 2019 và bị Tòa án quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo thì thời gian thử thách đã được rút ngắn không được tính để trừ vào thời gian chấp hành án phạt tù.
Điều 92, Luật Thi hành án hình sự năm 2019quy định giải quyết việc vắng mặt tại nơi cư trú, thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người được hưởng án treo:
- Người được hưởng án treo có thể vắng mặt tại nơi cư trú nếu có lý do chính đáng và phải xin phép, phải thực hiện khai báo tạm vắng theo quy định của pháp luật về cư trú. Thời gian vắng mặt tại nơi cư trú mỗi lần không quá 60 ngày và tổng số thời gian vắng mặt tại nơi cư trú không được vượt quá một phần ba thời gian thử thách, trừ trường hợp bị bệnh phải điều trị tại cơ sở y tế theo chỉ định của bác sỹ và phải có xác nhận điều trị của cơ sở y tế đó.
- Người được hưởng án treo khi vắng mặt tại nơi cư trú phải có đơn xin phép và được sự đồng ý của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục; trường hợp không đồng ý thì Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Người được hưởng án treo khi đến nơi cư trú mới phải trình báo với Công an cấp xã nơi mình đến tạm trú, lưu trú; hết thời hạn tạm trú, lưu trú phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an cấp xã nơi tạm trú, lưu trú. Trường hợp người được hưởng án treo vi phạm pháp luật, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó đến tạm trú, lưu trú phải thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục kèm theo tài liệu có liên quan.
- Việc giải quyết trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc thực hiện vì lý do chính đáng mà phải thay đổi nơi cư trú, nơi làm việc thì phải làm đơn có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao quản lý gửi cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu.
- Người được hưởng án treo không được xuất cảnh trong thời gian thử thách.
2. Về quyền và nghĩa vụ của người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ
Thi hành án phạt cải tạo không giam giữ là việc cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của Luật Thi hành án hình sự năm 2019 giám sát, giáo dục người chấp hành án tạinơi cư trú hoặc nơi làm việc, học tập; khấu trừ một phần thu nhập sung quỹ nhà nước, giám sát việc thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồngtheo bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
Điều 99, Luật Thi hành án hình sự năm 2019 quy địnhnghĩa vụ của người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ:
- Có mặt theo giấy triệu tập và cam kết việc chấp hành án theo quy định của Luật Thi hành án hình sự năm 2019.
- Chấp hành nghiêm chỉnh cam kết tuân thủ pháp luật, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân, nội quy, quy chế của nơi cư trú, nơi làm việc; tích cực tham gia lao động, học tập; chấp hành đầy đủ nghĩa vụ bồi thường thiệt hại, các hình phạt bổ sung theo bản án của Tòa án.
- Thực hiện nghĩa vụ nộp phần thu nhập bị khấu trừ; thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng theo quy định của pháp luật.
- Chịu sự giám sát, giáo dục của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu nơi cư trú, nơi làm việc.
- Chấp hành quy định về việc vắng mặt tại nơi cư trú, thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ tại Điều 100 của Luật Thi hành án hình sự năm 2019.
- Có mặt theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu.
- Hằng tháng phải nộp bản tự nhận xét về việc thực hiện nghĩa vụ chấp hành án cho Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục, trừ trường hợp vắng mặt tại nơi cư trú, thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ có lý do chính đáng và đã xin phép.
Điều 100, Luật Thi hành án hình sự năm 2019 quy định giải quyết việc vắng mặt tại nơi cư trú, thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ:
- Người chấp hành án có thể vắng mặt tại nơi cư trú nếu có lý do chính đáng và phải xin phép, phải thực hiện khai báo tạm vắng theo quy định của pháp luật về cư trú. Thời gian vắng mặt tại nơi cư trú mỗi lần không quá 30 ngày và tổng số thời gian vắng mặt tại nơi cư trú không được vượt quá một phần ba thời gian chấp hành án, trừ trường hợp bị bệnh phải điều trị tại cơ sở y tế theo chỉ định của bác sỹ và phải có xác nhận điều trị của cơ sở y tế đó.
- Người chấp hành án khi vắng mặt tại nơi cư trú phải có đơn xin phép và được sự đồng ý của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục; trường hợp không đồng ý thì Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Người chấp hành án khi đến nơi cư trú mới phải trình báo với Công an cấp xã nơi mình đến tạm trú, lưu trú; hết thời hạn tạm trú, lưu trú phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an cấp xã nơi tạm trú, lưu trú. Trường hợp người chấp hành án vi phạm pháp luật, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó đến tạm trú, lưu trú phải thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục kèm theo tài liệu có liên quan.
- Việc giải quyết trường hợp người chấp hành án thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc trong quân đội thì phải làm đơn có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao quản lý gửi cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu.
- Người chấp hành án không được xuất cảnh trong thời gian chấp hành án.
Điều 101, Luật Thi hành án hình sự năm 2019 quy định việc lao động, học tập của người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ:
- Người chấp hành án là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân và viên chức quốc phòng, công nhân công an, người lao động nếu được tiếp tục làm việc tại cơ quan, tổ chức thì được bố trí công việc bảo đảm yêu cầu giám sát, giáo dục, được hưởng tiền lương và chế độ khác phù hợp với công việc mà họ đảm nhiệm, được tính vào thời gian công tác, thời gian tại ngũ theo quy định của pháp luật.
- Người chấp hành án được cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp tiếp nhận học tập thì được hưởng quyền lợi theo quy chế của cơ sở đó.
- Người chấp hành án không thuộc trường hợp trên được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó chấp hành án tạo điều kiện tìm việc làm.
- Người chấp hành án thuộc đối tượng được hưởng chế độưu đãi người có công với cách mạng, người đang hưởng chế độ bảo hiểm xã hội thì thực hiện theo quy định của pháp luật.
- Người chấp hành án không có việc làm hoặc bị mất việc làm trong thời gian chấp hành án thì phải thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày người chấp hành án được xác định là không có việc làm hoặc bị mất việc làm, Công an cấp xã có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản với Ủy ban nhân dân cùng cấp; trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm báo cáo cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo của Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện phải xem xét, quyết định buộc người chấp hành án thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng.
Báo cáo của Ủy ban nhân dân cấp xã, quyết định của cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện phải nêu rõ loại công việc, thời gian lao động phục vụ cộng đồng dự kiến buộc người chấp hành án phải thực hiện.
Căn cứ quyết định buộc người chấp hành án phải thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng, Ủy ban nhân dân cấp xã giao cho người chấp hành án thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng dưới sự giám sát của Công an cấp xã.
Điều 102, Luật Thi hành án hình sự năm 2019 quy địnhgiảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ:
- Người chấp hành án có thể được Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án quân sự khu vực quyết định giảm thời hạn chấp hành án khi có đủ các điều kiện sau đây: Đã chấp hành được một phần ba thời hạn án phạt; đối với người dưới 18 tuổi thì phải chấp hành được một phần tư thời hạn án phạt và trong thời gian thử thách người chấp hành án đã chấp hành nghiêm chỉnh các nghĩa vụ của người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ; tích cực học tập, lao động, sửa chữa lỗi lầm hoặc lập thành tích trong lao động, bảo vệ an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khen thưởng và bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự trong trường hợp có nghĩa vụ dân sự.
- Người chấp hành án mỗi năm được xét giảm thời hạn chấp hành án 01 lần, mỗi lần có thể được giảm từ 03 tháng đến 09 tháng.
- Người chấp hành án có thể được giảm thời hạn chấp hành án nhiều lần nhưng phải bảo đảm thời gian thực tế chấp hành án là một phần hai mức án, đối với người chấp hành án là người dưới 18 tuổi thì phải bảo đảm thời gian thực tế chấp hành án là hai phần năm mức án.
- Người chấp hành án đã lập công, ngườiđã quá già yếu hoặc ngườibị bệnh hiểm nghèo đã chấp hành được một phần tư thời hạn án phạt thì có thể được xét giảm thời hạn chấp hành án, mức giảm mỗi lần cao nhất là 01 năm nhưng phải bảo đảm thời gian thực tế chấp hành án là hai phần năm mức án.
- Người chấp hành án là người dưới 18 tuổi nếu lập công hoặc bị bệnh hiểm nghèo thì được xét giảm ngay. Trường hợp đã chấp hành được hai phần năm mức án thì có thể được giảm hết thời hạn còn lại.
Điều 104. Thủ tục miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ
- Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, Viện kiểm sát quân sự khu vực nơi người chấp hành án đang cư trú, làm việc, tự mình hoặc theođề nghị của cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu xem xét, lập hồ sơ đề nghị Tòa án cùng cấp xét miễn chấp hành án. Hồ sơ bao gồm: Bản sao bản án, quyết định của Tòa áncó hiệu lực pháp luật; Văn bản đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát; Văn bản đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự trong trường hợp cơ quan này đề nghị; Đơn xin miễn chấp hành án của người bị kết án hoặc người đại diện theo quy định của pháp luật; Xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc người bị kết án đã lập công; kết luận của bệnh viện cấp tỉnh, bệnh viện cấp quân khu trở lên về tình trạng bệnh của người bị kết án bị bệnh hiểm nghèo; xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc người bị kết án chấp hành tốt pháp luật, có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn.
- Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Chánh án Tòa án có thẩm quyền thành lập Hội đồng và tổ chức phiên họp để xét, quyết định miễn chấp hành án. Thành phần Hội đồng gồm 03 Thẩm phán; phiên họp có sự tham gia của Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp. Trường hợp hồ sơ phải bổ sung theo yêu cầu của Tòa án thì thời hạn mở phiên họp được tính từ ngày nhận được hồ sơ bổ sung.
- Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định về việc miễn chấp hành án, Tòa án phải gửi quyết định đó cho người bị kết án, Viện kiểm sát cùng cấp, Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp, Tòa án đã ra quyết định thi hành án, cơ quan thi hành án hình sự cùng cấp, Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục người chấp hành án, Sở Tư pháp nơi Tòa án đã ra quyết định miễn chấp hành án có trụ sở.
3. Về quyền và nghĩa vụ của người chấp hành án phạt quản chế
Thi hành án phạt quản chế là việc cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của Luật Thi hành án hình sự năm 2019 buộc người chấp hành án phải cư trú, làm ăn sinh sống và cải tạo ở một địa phương nhất định dưới sự kiểm soát, giáo dục của chính quyền và Nhân dân địa phương theo bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
Điều 114, Luật Thi hành án hình sự năm 2019 quy định quyền và nghĩa vụ của người chấp hành án phạt quản chế:
- Người chấp hành án có các quyền sau đây: Sinh sống cùng gia đình tại nơi quản chế; Lựa chọn việc làm thích hợp, trừ những ngành, nghề hoặc công việc mà người chấp hành án không được làm theo quy định của pháp luật; được hưởng thành quả lao động do mình làm ra; Tự do đi lại trong phạm vi xã, phường, thị trấn nơi quản chế; Được xét miễn chấp hành thời hạn quản chế còn lại theo quy định tại Điều 117 của Luật Thi hành án hình sự năm 2019.
- Người chấp hành án có các nghĩa vụ sau đây: Chịu sự kiểm soát, giáo dục của Ủy ban nhân dân cấp xã và nhân dân địa phương; không được tự ý rời khỏi nơi quản chế; Mỗi tháng một lần vào tuần đầu của tháng, trình diện và báo cáo với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi quản chế việc chấp hành quy định về quản chế; Có mặt tại địa điểm quy định khi Ủy ban nhân dân cấp xã triệu tập, nếu vắng mặt phải có lý do chính đáng; Chấp hành nghiêm chỉnh chính sách, pháp luật và quy định của chính quyền địa phương; tích cực lao động, học tập, cải tạo để trở thành người có ích cho xã hội; Trường hợp được phép đi khỏi nơi quản chế, người chấp hành án phạt quản chế phải khai báo tạm vắng; trình diện, xuất trình giấy phép, làm thủ tục đăng ký tạm trú, lưu trú với Công an cấp xã nơi đến theo quy định; trở về nơi quản chế đúng thời hạn và trình diện với Ủy ban nhân dân cấp xã.
Điều 115, Luật Thi hành án hình sự năm 2019 quy định giải quyết trường hợp người chấp hành án phạt quản chế đi khỏi nơi quản chế:
- Trường hợp có lý do chính đáng, người chấp hành án có thể được cấp giấy phép đi khỏi nơi quản chế. Thẩm quyền cấp giấy phép như sau:
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi quản chế cấp giấy phép đi lại trong phạm vi cấp huyện nơi quản chế;
Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện cấp giấy phép đi lại trong phạm vi cấp tỉnh nơi quản chế;
Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh cấp giấy phép đi ra ngoài phạm vi cấp tỉnh nơi quản chế.
- Thời hạn người chấp hành án được phép đi khỏi nơi quản chế do người có thẩm quyền cấp giấy phép quyết định, nhưng mỗi lần không quá 10 ngày. Trường hợp người chấp hành án phải đi chữa bệnh thì thời gian đi khỏi nơi quản chế theo thời gian điều trị của cơ sở chữa bệnh.
4. Về quyền và nghĩa vụ của người chấp hành án phạt cấm cư trú
Thi hành án phạt cấm cư trú là việc cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của Luật Thi hành án hình sự năm 2019 buộc người chấp hành án không được tạm trú, thường trúở một số địa phương nhất định theo bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
Điều 109, Luật Thi hành án hình sự năm 2019 quy định quyền và nghĩa vụ của người chấp hành án phạt cấm cư trú:
- Người chấp hành án phạt cấm cư trú có các quyền sau đây:
Khi có lý do chính đáng và được sự đồng ý của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi bị cấm cư trú thì người chấp hành án phạt cấm cư trú được đến địa phương đó; thời gian lưu trú do Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đến quyết định nhưng mỗi lần không quá 05 ngày;
Khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật thì được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú đề nghị miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú theo quy định của Luật này.
- Người chấp hành án phạt cấm cư trú có các nghĩa vụ sau đây:
Không được cư trú ở những nơi đã bị cấm cư trú, trừ trường hợp khi có lý do chính đáng và được sự đồng ý của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi bị cấm cư trú thì người chấp hành án phạt cấm cư trú được đến địa phương đó;
Chấp hành nghiêm chỉnh cam kết của mình trong việc tuân thủ pháp luật;
Có mặt theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người chấp hành án cư trú.
5. Về quyền và nghĩa vụ của người chấp hành án phạt tước một số quyền công dân
Thi hành án phạt tước một số quyền công dân là việc cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Luật Thi hành án hình sự năm 2019 tước một hoặc một số quyền công dân của người chấp hành án theo bản án,quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
Điều 126, Luật Thi hành án hình sự năm 2019 quy địnhtước quyền ứng cử đại biểu cơ quan quyền lực nhà nước: Trong thời gian bị tước quyền ứng cử đại biểu cơ quan quyền lực nhà nước, người chấp hành án không được tham gia ứng cử đại biểu cơ quan quyền lực nhà nước.
Điều 127, Luật Thi hành án hình sự năm 2019 quy địnhtước quyền làm việc trong cơ quan nhà nước: Trong thời gian bị tước quyền làm việc trong cơ quan nhà nước, người chấp hành án không được dự tuyển hoặc tiếp tục làm việc trong cơ quan nhà nước. Trường hợp người chấp hành án đang là cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan nhà nước mà bị tước quyền làm việc trong cơ quan nhà nước thì cơ quan nơi người đó làm việc phải ra quyết định hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền ra quyết định buộc thôi việc hoặc đình chỉ công tác trong thời hạn bị tước quyền làm việc trong cơ quan nhà nước đối với người đó.
Điều 128, Luật Thi hành án hình sự năm 2019 quy địnhtước quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân:
Trong thời gian bị tước quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân, người chấp hành án không được đăng ký nghĩa vụ quân sự, dự tuyển hoặc tiếp tục làm công chức, viên chức, công nhân quốc phòng trong Quân đội nhân dân, dự tuyển hoặc tiếp tục phục vụ trong Công an nhân dân.
Trường hợp người chấp hành án đang là quân nhân, công chức, viên chức, công nhân quốc phòng trong Quân đội nhân dân hoặc đang phục vụ trong cơ quan, đơn vị Công an nhân dân mà bị tước quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân thì cơ quan, đơn vị nơi người đó làm việc phải ra quyết định hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền ra quyết định buộc người đó ra khỏi lực lượng vũ trang nhân dân.
6. Về quyền và nghĩa vụ của người chấp hành án phạt cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định
Thi hành án phạt cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất địnhviệc cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền theo quy định của Luật Thi hành án hình sự năm 2019 buộc người chấp hành án không được đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc nhất định theo bản án,quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
Điều 130, Luật Thi hành án hình sự năm 2019 quy định nghĩa vụ của người chấp hành án phạt cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định:
- Báo cáo về chức vụ, nghề hoặc công việc bị cấm đảm nhiệm cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú.
- Không được tiếp tục hoặc phải từ chối đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc nhất định đã bị cấm.
- Không được ứng cử vào chức vụ đã bị cấm.
- Trường hợp không còn làm việc trong cơ quan, tổ chức hoặc thay đổi nơi làm việc phải báo cáo Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú.
- Có mặt khi cơ quan có thẩm quyền triệu tập liên quan đến việc chấp hành án của mình.
7. Về quyền và nghĩa vụ của người được hoãn chấp hành án phạt tù, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù
Theo Điều 67, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, về hoãn chấp hành hình phạt tù:
- Người bị xử phạt tù có thể được hoãn chấp hành hình phạt trong các trường hợp sau đây: Bị bệnh nặng thì được hoãn cho đến khi sức khỏe được hồi phục; Phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì được hoãn cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi; Là người lao động duy nhất trong gia đình, nếu phải chấp hành hình phạt tù thì gia đình sẽ gặp khó khăn đặc biệt, được hoãn đến 01 năm, trừ trường hợp người đó bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; Bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, do nhu cầu công vụ, thì được hoãn đến 01 năm.
- Trong thời gian được hoãn chấp hành hình phạt tù, nếu người được hoãn chấp hành hình phạt lại thực hiện hành vi phạm tội mới, thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Điều 25, Luật Thi hành án hình sự năm 2019 quy định thi hành quyết định hoãn chấp hành án phạt tù, trong đó thể hiện các quyền và nghĩa vụ của người được hoãn chấp hành án phạt tù:
- Quyền của người được hoãn chấp hành án phạt tù: Được thay đổi nơi cư trú, nơi làm việc của người được hoãn chấp hành án theo quy định tại Điều 68 của Luật Thi hành án dân sự năm 2019 (vì lý do chính đáng mà phải thay đổi nơi cư trú, nơi làm việc thì phải làm đơn có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao quản lý gửi cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu); Được thông báo bằng văn bản chậm nhất 07 ngày trước khi hết thời hạn hoãn chấp hành án phạt tù.
- Nghĩa vụ của người được hoãn chấp hành án phạt tù: Có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan cam kết bằng văn bản chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật; Người được hoãn chấp hành án không được đi khỏi nơi cư trú trong thời gian được hoãn chấp hành án nếu không được sự đồng ý của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội và phải có mặt theo yêu cầu triệu tập của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao quản lý người được hoãn chấp hành án;
Theo Điều 68, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, về tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù:
Người đang chấp hành hình phạt tù mà thuộc một trong các trường hợp Bị bệnh nặng thì được hoãn cho đến khi sức khỏe được hồi phục; Phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì được hoãn cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi; Là người lao động duy nhất trong gia đình, nếu phải chấp hành hình phạt tù thì gia đình sẽ gặp khó khăn đặc biệt, được hoãn đến 01 năm, trừ trường hợp người đó bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; Bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, do nhu cầu công vụ, thì được hoãn đến 01 năm thì có thể được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù.
Thời gian tạm đình chỉ không được tính vào thời gian chấp hành hình phạt tù.
Điều 37, Luật Thi hành án hình sự năm 2019 quy định thi hành quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, trong đó có các quyền và nghĩa vụ của người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù:
- Quyền của người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù: Được nhận quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù; Được thông báo bằng văn bản chậm nhất 07 ngày trước khi hết thời hạn tạm đình chỉ.
- Nghĩa vụ của người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù: Trong thời gian tạm đình chỉ, người được tạm đình chỉ không được đi khỏi nơi cư trú nếu không được sự đồng ý của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó về cư trú, đơn vị quân đội được giao quản lý; báo cáo về tình hình chấp hành pháp luật theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó về cư trú, đơn vị quân đội được giao quản lý; phải tự giác trình báo cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu khi hết thời hạn tạm đình chỉ hoặc khi sức khỏe hồi phục để tiếp tục chấp hành án; Sau thời hạn 07 ngày kể từ ngày hết thời hạn tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù mà người được tạm đình chỉ không có mặt tại cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu để chấp hành án thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu ra quyết định áp giải thi hành án, trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan;
8. Về quyền và nghĩa vụ của người người được tha tù trước thời hạn có điều kiện
Thi hành quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện là việc cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của Luật Thi hành án hình sự năm 2019 quản lý người được tha tù trước thời hạn có điều kiện trong thời gian thử thách.
Điều 62, Luật Thi hành án hình sự năm 2019 quy địnhnghĩa vụ của người được tha tù trước thời hạn có điều kiện:
- Thực hiện nghiêm chỉnh cam kết trong việc tuân thủ pháp luật, nghĩa vụ công dân, nội quy, quy chế của nơi cư trú, nơi làm việc, học tập.
- Trình diện và cam kết theo quy định của Luật Thi hành án hình sự năm 2019 (Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày được tha tù trước thời hạn có điều kiện, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện phải trình diện Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao quản lý để cam kết chấp hành nghĩa vụ, trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan).
- Chịu sự quản lý của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao quản lý.
- Chấp hành quy định về việc vắng mặt tại nơi cư trú của người được tha tù trước thời hạn có điều kiện tại Điều 67 của Luật Thi hành án hình sự năm 2019.
- Phải có mặt theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc đơn vị quân đội được giao quản lý.
- Hằng tháng phải báo cáo bằng văn bản với Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao quản lý về tình hình chấp hành nghĩa vụ của mình. Trường hợp vắng mặt có lý do chính đáng và đã xin phép theo quy định tại khoản 1 Điều 67 của Luật Thi hành án hình sự năm 2019 thì khi hết thời hạn vắng mặt, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện phải báo cáo về tình hình chấp hành nghĩa vụ của mình.
Điều 63, Luật Thi hành án hình sự năm 2019 quy định việc lao động, học tập của người được tha tù trước thời hạn có điều kiện:
- Người được tha tù trước thời hạn có điều kiện mà không phải là cán bộ, công chức, viên chức nếu được tiếp tục làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị thì được hưởng tiền lương và chế độ khác phù hợp với công việc đảm nhiệm, được tính vào thời gian công tác theo quy định của pháp luật.
- Người được tha tù trước thời hạn có điều kiện được cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp tiếp nhận học tập thì được hưởng quyền lợi theo quy định của pháp luật.
- Người được tha tù trước thời hạn có điều kiện không thuộc trường hợp trên thì được Ủy ban nhân dân cấp xã tạo điều kiện tìm việc làm.
Điều 64, Luật Thi hành án hình sự năm 2019 quy địnhrút ngắn thời gian thử thách đối với người được tha tù trước thời hạn có điều kiện:
- Người được tha tù trước thời hạn có điều kiện được đề nghị rút ngắn thời gian thử thách khi có đủ các điều kiện sau đây: Đã chấp hành được một phần hai thời gian thử thách và có nhiều tiến bộ trong thời gian thử thách.
- Người được tha tù trước thời hạn có điều kiện mỗi năm có thể được rút ngắn thời gian thử thách 01 lần từ 03 tháng đến 02 năm.Trường hợp thời gian thử thách của người được tha tù trước thời hạn có điều kiện còn lại dưới 03 tháng thì Tòa án có thể quyết định rút ngắn hết thời gian thử thách còn lại.
Người được tha tù trước thời hạn có điều kiện có thể được rút ngắn thời gian thử thách nhiều lần, nhưng phải bảo đảm thực tế đã chấp hành ít nhất ba phần tư thời gian thử thách, trừ trường hợp ngườidưới 18 tuổi, người đã lập công, người đã quá già yếu hoặc người bị bệnh hiểm nghèo, có đủ điều kiện đã chấp hành được một phần hai thời gian thử thách và có nhiều tiến bộ trong thời gian thử thách.
- Trường hợp người được tha tù trước thời hạn có điều kiện là ngườidưới 18 tuổi, người đã lập công, người đã quá già yếu hoặc người bị bệnh hiểm nghèo, có đủ điều kiện đã chấp hành được một phần hai thời gian thử thách và có nhiều tiến bộ trong thời gian thử thách thì Tòa án có thể rút ngắn hết thời gian thử thách còn lại.
Điều 67, Luật Thi hành án hình sự năm 2019 quy định việc vắng mặt tại nơi cư trú của người được tha tù trước thời hạn có điều kiện:
- Người được tha tù trước thời hạn có điều kiện có thể vắng mặt tại nơi cư trú nếu có lý do chính đáng và phải xin phép, phải thực hiện khai báo tạm vắng theo quy định của pháp luật về cư trú. Thời gian vắng mặt tại nơi cư trú được tính vào thời gian thử thách nhưng mỗi lần không quá 60 ngày và tổng số thời gian vắng mặt tại nơi cư trú không được vượt quá một phần ba thời gian thử thách, trừ trường hợp bị bệnh phải điều trị tại cơ sở y tế theo chỉ định của bác sỹ và phải có xác nhận điều trị của cơ sở y tế đó.
- Người được tha tù trước thời hạn có điều kiện khi vắng mặt tại nơi cư trú phải có đơn xin phép và được sự đồng ý của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao quản lý, trường hợp không đồng ý thì Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Người được tha tù trước thời hạn có điều kiện khi đến nơi cư trú mới phải trình báo với Công an cấp xã nơi mình đến tạm trú, lưu trú; hết thời hạn tạm trú, lưu trú phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an cấp xã nơi tạm trú, lưu trú. Trường hợp người được tha tù trước thời hạn có điều kiện vi phạm pháp luật, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó đến tạm trú, lưu trú phải thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao quản lý.
- Người được tha tù trước thời hạn có điều kiện không được xuất cảnh trong thời gian thử thách.
Điều 68, Luật Thi hành án hình sự năm 2019 quy định giải quyết trường hợp người được tha tù trước thời hạn có điều kiện thay đổi nơi cư trú, nơi làm việc:
- Trường hợp người được tha tù trước thời hạn có điều kiện vì lý do chính đáng mà phải thay đổi nơi cư trú, nơi làm việc thì phải làm đơn có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao quản lý gửi cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được đơn của người được tha tù trước thời hạn có điều kiện, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu phối hợp với các đơn vị có liên quan kiểm tra, xác minh và giải quyết cho người đóthay đổi nơi cư trú, nơi làm việc. Trường hợp không đồng ý thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
- Người được tha tù trước thời hạn có điều kiện được xem xét, giải quyết cho thay đổi nơi cư trú nếu bảo đảm các điều kiện sau đây: Bảo đảm các yêu cầu theo quy định của pháp luật về cư trú; Được sự đồng ý của cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện trong trường hợp thay đổi nơi cư trú trong phạm vi đơn vị hành chính cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh trong trường hợp thay đổi nơi cư trú ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp huyện, cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an trong trường hợp thay đổi nơi cư trú ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp tỉnh.
- Việc thay đổi nơi làm việc của người được tha tù trước thời hạn có điều kiện trong phạm vi quân khu do cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu quyết định. Việc thay đổi nơi làm việc của người được tha tù trước thời hạn có điều kiện ngoài phạm vi quân khu do cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng quyết định.
Trường hợp người được tha tù trước thời hạn có điều kiện không tiếp tục làm việc trong quân đội thì cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu làm thủ tục chuyển hồ sơ cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người được tha tù trước thời hạn có điều kiện về cư trú để quản lý theo quy định của Luật Thi hành án hình sự năm 2019.
Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chi tiết về giải quyết trường hợp người được tha tù trước thời hạn có điều kiện thay đổi nơi cư trú, nơi làm việc.
 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Bản đồ hành chính
PHÁT THANH CẨM XUYÊN
Thống kê: 109.009
Trong năm: 7.879
Trong tháng: 6.025
Trong tuần: 1.505
Trong ngày: 174
Online: 3